Phục hồi cây giống bản địa
Cam giấy Tiên Hà có đặc điểm trái to vừa, tròn trịa, da màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu vàng nhạt, vỏ mỏng, vỏ chứa nhiều tinh dầu, vị ngọt thanh, thơm dịu nhưng có nhược điểm là thời gian lưu trữ ngắn nên việc bảo quản, vận chuyển sản phẩm khó khăn. Cam giấy Tiên Hà tuy là đặc sản xứ Tiên nhưng thị trường nhỏ hẹp, chủ yếu bán tại địa phương, khả năng cạnh tranh với các loại cam khác rất yếu nên hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà với cây cam, diện tích trồng cam dần bị thu hẹp.
Sơ chế đóng gói sản phẩm Cam giấy Tiên Hà.
Trước thực tế đó, năm 2017, từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ 160 triệu đồng, UBND xã Tiên Hà đã nhân rộng mô hình trồng cam với 75 hộ dân tham gia. Đến năm 2018, HTX nông nghiệp Phước Hà ra đời với mục tiêu bảo tồn, phát triển nguồn gen cây cam giống bản địa cung cấp giống cam chuẩn cho nông dân.
Với những trăn trở phục hồi nghề trồng cam giấy, HTX nông nghiệp Phước Hà đã quyết định bảo tồn cây giống thuần chủng bằng phương pháp ghép hom mắt từ những cây đầu dòng khỏe mạnh. Phương pháp này cho ra đời cây giống sinh trưởng khỏe mạnh, chịu được sâu bệnh, phát triển tốt và có tuổi thọ cao hơn hẳn so với phương pháp chiết cành truyền thống. Năm 2018-2019, HTX đã nhân giống số cây cam đầu dòng lên 80 cây.
Chia sẻ về kết quả đạt được, ông Đoàn Thanh Lân- Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hà cho biết: Hiện nay HTX đã xây dựng hệ thống vườn ươm giống cây có múi với diện tích 3000 m2, diện tích trồng cam giấy 1,5 ha và liên kết với các hộ nông dân sản xuất cam 7,5 ha cho sản lượng thu hoạch ổn định. Dự kiến đến năm 2024, sẽ có 12 ha diện tích trồng cam giấy bước vào giai đoạn cho thu hoạch với sản lượng khoảng 6 tấn/ha. Diện tích trồng cam giấy của HTX đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap.
Đưa “Cam giấy Tiên Hà” vươn ra thị trường lớn
Bên cạnh phát triển nguồn giống bản địa, ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Phước Hà còn có một quyết định “mạo hiểm” khác là chế biến sản phẩm “Cam giấy Tiên Hà sấy dẻo” đưa ra thị trường nhằm nâng cao giá trị của quả cam, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Sản phẩm Cam giấy Tiên Hà sấy dẻo.
Với lợi thế thổ nhưỡng địa phương thích hợp với trồng cam giấy, có nguồn cây giống chất lượng, diện tích trồng cam dễ mở rộng quy mô, HTX đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản. Công nghệ sản xuất cam giấy sấy dẻo được thực hiện theo quy trình khép kín từ cam giấy nguyên liệu được làm sạch bằng sục ozon để tiệt trùng, sau đó xắt lát rồi ngâm với mật ong và sấy khô bằng phương pháp sấy lạnh để giữ được nước và có độ dẻo, giữ được vị ngọt, chua, the vốn có, sau đó đóng gói đưa ra thị trường. HTX đã xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng kí nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Năm 2020, mặc dù dịch covid bùng phát nhưng HTX đã đưa ra thị trường 400kg cam giấy sấy dẻo, tương đương với 3,2 tấn cam tươi, giá bán 40 nghìn đồng/gói 100gr. So với bán cam tươi tại thời điểm thu hoạch khoảng 20 nghìn đồng/kg thì cam sấy dẻo đem lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, việc chế biến thành sản phẩm cam giấy sấy dẻo còn giải quyết được rủi ro khi sản lượng thu hoạch lớn trong thời gian ngắn, đa dạng hóa sản phẩm từ quả cam giấy, thuận tiện tham gia các hội chợ, hội thi…để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay sản phẩm cam giấy sấy dẻo của HTX được bán trong các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh, sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác.
Ông Đoàn Thanh Lân cho biết thêm: “HTX sẽ liên kết với các hộ dân tại các xã Tiên Hà, Tiên Châu, Tiên Cẩm mở rộng sản xuất vùng nguyên liệu cam giấy khoảng 20 ha tại góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, đồng thời triển khai chế biến sâu nhiều loại nông sản như chuối sấy, mít sấy…”
Cũng trong năm 2020, sản phẩm “Cam giấy Tiên Hà sấy dẻo” được công nhận Ocop 4 sao cấp tỉnh, đạt giải Dự án sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2020 với tên dự án “Cây giống và các sản phẩm từ cam giấy Tiên Hà”.