hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
UBMTTQ Việt Nam tỉnh đẩy mạnh công tác giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm (23/01/2018)
Trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện; công tác chỉ đạo điều hành của các cấp đã được tăng cường; việc quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước; công tác thông tin, truyền thông, giáo dục phổ biến pháp luật về ATTP được đẩy mạnh; việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn.

Thực tế hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến; sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng. Nỗi sợ hãi của người tiêu dùng khi những con tôm được bơm hóa chất, những con cá chết bệnh được nhuộm vàng và những miếng thịt heo bẩn qua biến hóa trở thành thịt bò; nỗi sợ hãi về những thực phẩm xanh đỏ không rõ nguồn gốc đang ngày ngày đầu độc các em học sinh tại cổng trường; sợ hãi về những chai nước giải khát mà người ta vẫn cứ quảng cáo là tốt, thanh lọc cơ thể, hóa ra là chứa chì, có thể gây ung thư. Sợ hãi ngay những giọt cà phê tưởng thơm ngon hóa ra lại chỉ có hóa chất, thậm chí không có một hạt cà phê,… Không yên tâm chút nào, khi hàng ngày những trang báo ngập tràn những thông tin về hàng tấn nội tạng tẩm ướp có tuổi đời đến hàng chục năm; truyền thông hàng ngày nêu lên những vụ việc có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, mặc cho tỷ lệ ung thư của người dân nước ta nay đứng nhất nhì thế giới, trong đó có 35% số người chết liên quan đến thực phẩm bẩn; lương tâm của những người kinh doanh dường như không thắng được, nước mắt đang mờ đi trước lợi ích trước mắt. Con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa dường như đang ngắn lại,…

Hình: Đoàn giám sát của UBMTTQVN tỉnh thực hiện giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại UBND huyện Núi Thành.

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (UBMTTQVN tỉnh) và UBND tỉnh trong vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020; trong năm 2017, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc nhiều hoạt động phong phú, thiết thực; đã tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP tại Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế tỉnh, tại huyện Đại Lộc và Núi Thành. Đồng thời, Đoàn giám sát đã trực tiếp giám sát UBND xã Đại Minh, huyện Đại Lộc và đi khảo sát thực tế  tại 03 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã và  thực hiện giám sát UBND thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành và khảo sát thực tế 03 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thị trấn. 

Qua giám sát nhận thấy, công tác chỉ đạo, triển khai công tác ATTP được các địa phương quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được các các cấp, các ngành chức năng của tỉnh quan tâm với nhiều hoạt động thiết thực. Ban Chỉ đạo liên ngành các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức khá tốt công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP theo đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý; nhất là trong những đợt cao điểm như dịp lễ, Tết, tháng hành động vì ATTP. Qua thanh tra, hầu hết các cơ sở đã thực hiện đúng các quy định về ATTP như: Có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; bản cam kết bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; có xác nhận kiến thức về ATTP, có thiết bị, dụng cụ chế biến đảm bảo vệ sinh và riêng biệt đối với thức ăn sống và chín; hồ sơ kinh doanh đảm bảo…

Mặc dù vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền ở một số địa phương đối với việc đảm bảo ATTP vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ở cấp xã đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo ATTP, phân công Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban nhưng với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo vẫn chưa quyết liệt, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được thực hiện thường xuyên. Chưa ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, nhân lực cho công tác quản lý và tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP; việc phân công cán bộ không rõ ràng, thiếu kiểm tra, đánh giá trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ công chức đảm nhận công tác ATTP (nhất là ở cấp xã) cho nên số lượng cán bộ xã, cán bộ huyện trực tiếp tham mưu về ATTP hiện nay không nhiều, đa số là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, kiến thức về ATTP còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ trong công tác còn thiếu, không đáp ứng nhu cầu. Công tác hậu kiểm, kiểm tra việc tuân thủ các cam kết theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP chưa được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã cơ cấu chưa đảm bảo đủ thành phần, nhiều nơi chỉ có ngành Y tế. Các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ yếu tập trung vào một số thời điểm nhất định và còn mang tính phong trào. Chưa làm tốt công tác tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, thức ăn đường phố,... nên nhận thức của người dân chưa có chuyển biến rõ rệt, vì vậy chưa tạo được thói quen tốt trong vệ sinh ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tổ chức tại hộ gia đình khó quản lý. Ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về đảm bảo ATTP của một bộ phận các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa tốt. Việc vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm bắt nguồn vì lợi nhuận của mình mà bất chấp đến sức khỏe người tiêu dùng, luôn có hoạt động đối phó với các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra. Nhiều cơ sở kinh doanh bảo quản thực phẩm còn sơ sài, mẫu lưu thực phẩm không đủ về số lượng; giấy đăng ký kinh doanh hết hạn; một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không có hồ sơ kinh doanh và các giấy tờ liên quan; kiến thức pháp luật về ATTP của những chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ chưa được trang bị đầy đủ, chưa ý thức được tầm quan trọng của vệ sinh ATTP; chưa chú trọng việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Thói quen của người tiêu dùng chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm,... Công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Các hạn chế, yếu kém về ATTP nói trên là do nhiều nguyên nhân, trước hết là do sự thiếu quyết liệt trong quản lý của chính quyền các cấp, sự nhận thức chưa tốt và cố tình vi phạm của các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm và cũng có một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng. Trong đó có hạn chế của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm cho người dân chưa được chú trọng đúng mức.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, giai đoạn 2016-2020; trong năm 2018, UBMTTQVN từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung một số nội dung sau:

1. Thông qua việc thực hiện Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các cấp trong công tác vận động và giám sát ATTP, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân về vệ sinh ATTP; làm rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

2. Vận động các tầng lớp nhân dân tự giác chấp hành Luật An toàn thực phẩm với khẩu hiệu hành động “Nói không với thực phẩm bẩn” và mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm với các ngành chức năng. Vận động, tổ chức cho đoàn viên, hội viên và người dân thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tự giác ký cam kết tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP; thiết lập hệ thống thông tin hỏi - đáp phục vụ người dân về ATTP; tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin vi phạm pháp luật về ATTP.

3. Đẩy mạnh công tác giám sát ATTP, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng ATTP, trong đó quan tâm đến các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều như: rau, thịt, cá, rượu, bia, nước giải khát, dịch vụ ăn uống,...; tập trung giám sát các cơ sở sản xuất tại làng nghề, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị. Thực hiện tốt việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, đặc biệt là của người dân trong việc bảo đảm ATTP.

4. Phối hợp với UBND cùng cấp định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp; xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác quản lý nhà nước về ATTP./.

 

Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBMT TQVN tỉnh Quảng Nam

Lượt xem:  1,465 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 2 1 2
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com