
Trong năm 2025, huyện đề ra nhiều mục tiêu như: Hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2025 có ít nhất 80% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; Trong đó có từ 1 đến 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 03 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. Phấn đấu 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo đúng quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, huyện sẽ nâng cấp các điểm bán hàng OCOP cấp huyện. Năm 2025 hỗ trợ phát triển 01 điểm bán hàng, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả ngoài tỉnh). Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Tham gia các Hội chợ, trưng bày sản phẩm chuyên đề về sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của huyện, của tỉnh; tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tổ chức tuyên dương khen thưởng cho các đơn vị, tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chương trình, triển khai nhiệm trong thời gian đến.
Được biết, năm 2024, Thăng Bình có 15 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, 6 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng mới và 9 sản phẩm đăng ký đánh giá lại sau 3 năm.
Trong 15 sản phẩm này có sản phẩm yến tinh chế sấy khô của Công ty TNHH MTV Yến sào đất Quảng đăng ký công nhận lại sản phẩm OCOP hạng 4 sao; các sản phẩm còn lại đăng ký công nhận OCOP hạng 3 sao.