hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Người dân Xê Đăng làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh (15/05/2023)
Người Xê Đăng ở Nam Trà My xem núi Ngọc Linh là một phần trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và là nguồn sinh kế để họ có cái ăn, cái mặc. Người dân tự đặt cho mình trách nhiệm bảo vệ và sống hòa thuận với vùng núi thiêng này.

Già Nguyễn Văn Bộ bên những luống sâm quý của mình. 

Bên trong chiếc chòi gỗ nhỏ cheo leo giữa rừng, vợ chồng già Nguyễn Văn Bộ (thôn 2, xã Trà Linh) ấp ủ về một cuộc sống an nhàn lúc tuổi già với vài trăm gốc sâm Ngọc Linh. Vợ chồng ông gắn bó với cái chòi đơn sơ để giữ gìn cây sâm quý và tận hưởng không gian yên bình giữa thiên nhiên hoang sơ, nơi ông xem là nhà, là nguồn

Sinh ra và lớn lên dưới chân Ngọc Linh, hơn nửa cuộc đời, già Bộ từng làm nhà giáo, dạy biết bao thế hệ con cháu Xê Đăng. Về hưu, ông tiếp tục dạy họ sống với rừng bằng cách tự mình làm gương. Nhiều năm sống ở rừng, ông xem đây là “ngôi nhà” chắc chắn có thể che chở cho mình.

“Mình phải biết cách thích nghi với thiên nhiên, với núi rừng, làm như thế thì mới tồn tại được ở Ngọc Linh. Tiền lương hưu của tôi cũng đủ cho hai vợ chồng trang trải cuộc sống, nhưng ở đâu cũng không bằng ở núi, vừa trong lành, vừa yên tĩnh. Vợ chồng sớm tối có nhau, thi thoảng con cháu nhớ ông bà lại lên đây sum họp” - già Bộ nói.

Bán kính vài cây số quanh vườn sâm nhà mình, già Bộ đã thông thuộc từng ngóc ngách, trong đêm ông có thể mò mẫm sang thăm vườn khác rồi lại quay về chòi của mình.

Không đường mòn, già Bộ nói ông đi theo trí nhớ, ông cảm nhận được mùi hương của từng loại cây gỗ, từng nhánh hoa, tránh được những vùng được cho là có thú dữ. Cứ thế nhiều năm qua, vợ chồng già Bộ trở thành một phần của rừng Ngọc Linh, góp thêm hơi thở, nhịp đập cho sự sống phong phú nơi đây.

Từ rừng, nhiều mầm sống được nảy nở, sinh sôi và phát triển. Chẳng phải nơi nào khác mà chính Ngọc Linh đã mang lại cho người Xê Đăng những thứ họ đang có. Sâm Ngọc Linh là tất cả đối với họ, còn rừng kia là tất cả những gì cây sâm quý cần. Như già Bộ nói, không còn rừng thì người Xê Đăng cũng không được còn là chính mình nữa, nên họ giữ rừng đẹp mãi theo tháng năm, từ đời này sang đời khác.

Anh Đinh Hồng Thắng- làng Tăk Ngo, thôn 2, Trà Linh là một người trẻ có nhiều khát vọng và tình cảm với rừng. Năm 2015, đường giao thông chưa phát triển như hiện nay, anh và vợ đã lội bộ chặng đường dài từ trung tâm xã lên Tăk Ngo để định cư và tìm vườn trồng sâm, quyết tâm làm giàu trên đỉnh Ngọc Linh.

“Thời điểm đó chưa ai lên đây để trồng sâm nên đất đai khá thoải mái, nhưng mình chỉ khoanh một khoảnh vừa đủ để trồng, lúc ấy mình đã biết cây sâm Ngọc Linh cần rừng chứ không cần đất phải rộng. Tám năm qua khu rừng này vẫn nguyên vẹn, mỗi cây lớn nhỏ đều thêm tám vòng gỗ, chẳng vơi bớt cây nào” - anh Thắng nói.

Nhờ rừng tốt, nên dù khá gần làng Tăk Ngo và con đường Trà Linh đi Măng Lùng, song vườn sâm của anh Thắng vẫn rất dịu mát. Trong vườn, sâm ở khắp mọi nơi. Ngoài trồng sâm trên đất, anh còn trồng trên những gốc cây gỗ mục, trên những tảng đá phủ đầy rêu, ở đâu cây sâm cũng sống, miễn bên trên có rừng.

“Có rừng bảo vệ nên mình chẳng lo sâm gãy, sâm chết, mưa đá hay dông lốc gì cũng không sợ. Trước kia mới làm vườn, mình chỉ phát dọn thực bì, giờ đất đai đã ổn định rồi, rừng sao mình để vậy, động vào cây rừng dù là cây nhỏ như ngón chân, mình cũng thấy xót lắm!” - anh Thắng tâm sự.

Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, từ trước đến nay, việc trồng sâm gắn liền với bảo vệ môi trường rừng được người dân thực hiện khá tốt, hầu hết bà con phụ thuộc vào rừng, trồng sâm theo cách truyền thống, để cây sâm được phát triển một cách tự nhiên.

Ông Dang nói: “Qua tuyên truyền, kiểm tra, bà con đều chấp hành tốt việc bảo vệ rừng, nhiều hộ có điều kiện còn trồng thêm rừng tại vùng đệm và quanh khu vực dân cư. Đây là tinh thần, trách nhiệm, là tình cảm của người Xê Đăng nói riêng và người trồng sâm nói chung đối với rừng, đồng thời là tín hiệu tốt trong việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

 

Phú Thiện

Lượt xem:  392 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 120 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com