Anh Hiền chăm sóc vườn ổi.
Năm 2021, anh Thái Hiền (xã Trà Dương) được vay vốn 70 triệu đồng từ nguồn vốn theo Nghị định 74 của Chính phủ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Trà My. Anh Hiền đã dùng nguồn vốn này để xây dựng trang trại chăn nuôi heo nái giống.
Hiện nay, trang trại của anh Hiền có 20 con heo nái giống đang trong thời kỳ sinh sản. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi qua sách, báo mạng nên đến nay, đàn heo của anh Hiền sinh sản phát triển tốt, ước tính mỗi lứa có thể xuất bán trên 150 heo con.
Anh Thái Hiền chia sẻ: “Tôi muốn xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt trên diện tích đất sẵn có của gia đình. Nhờ có nguồn vốn vay tạo việc làm, tôi đã làm trang trại, cộng với số tiền dành dụm tôi đã mua con giống để nuôi. Hiện tại, 2 vợ chồng tôi đã có được việc làm ổn định, tôi mong muốn tiếp tục mở rộng quy mô trang trại trong thời gian tới để nuôi thêm heo thịt và giúp cho nhiều thanh niên khác cũng có việc làm ổn định thay vì đi làm thời vụ ở các nơi khác”.
Cùng với chăn nuôi heo, anh Hiền còn phát triển trồng cây ăn quả trên diện tích đất 5ha của gia đình. Qua gần 2 năm trồng thử nghiệm giống ổi lê Đài Loan, gia đình anh đã thu hoạch trên 300kg ổi mỗi vụ. Giống ổi này khá thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng miền núi nên sinh trưởng, phát triển tốt ít sâu bệnh và nhanh cho quả. Cùng với cây ổi, anh Hiền còn trồng thêm cam sành, chăn nuôi bò sinh sản. Anh Hiền còn đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Phát, cùng liên kết với 10 hộ nông dân tại xã Trà Dương sản xuất, thu mua các sản phẩm nông nghiệp, con giống cho người dân dân tại địa phương. Qua 2 năm sử dụng nguồn vốn vay, anh Thái Hiền là một trong những gia đình đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện miền núi Bắc Trà My.
Anh Phan Hồng Nhật- Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, cho biết “ Tính đến quý 1 năm 2022, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bắc Trà My đã cho 640 hộ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, trong đó có 90 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với việc cho vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay cũng được đơn vị thực hiện đúng theo quy định. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Nhất là trong điều kiện cần thiết để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân khi tình hình dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, phát triển kinh tế của người dân miền núi, vùng khó khăn của Tỉnh”./.