Người dân thu hoạch chuối và bán cho thương lái.
Những năm trước, xác định chuối mốc là cây trồng chủ lực phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng, huyện vận động bà con đồng bào Ca Dong, Xê Đăng... khai hoang hàng trăm ha đất vườn đồi, vườn rừng để trồng chuối. Đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trồng trọt và chuyển giao kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất; các thôn trên toàn huyện đều có cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, giám sát, chuyển tải thông tin mùa vụ kịp thời đến từng hộ dân. Mô hình trồng chuối Nam Trà My được nhân rộng; Cây chuối được trồng dưới hình thức xen canh và chuyên canh, giúp các hộ trồng chuối có thu nhập hằng ngày, cải thiện được kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều hộ nông dân làm tốt việc chuyển đổi trồng chuối mốc trên diện tích đất đồi, đất nương rẫy.
Tại điểm thu mua chuối mốc trên nóc Long Túc (thôn 4, xã Trà Nam) tấp nập người buôn bán chuối. Chị Nguyễn Thị Thuận (chủ điểm thu mua) cho biết, bắt đầu từ ngày 6- 7, bà con từ hai nóc Ngọc Lê và Long Túc tập trung thu hoạch chuối để bán cho thương lái, riêng điểm thu mua của chị đã nhập vào hơn 10 tạ chuối xanh.
“Vì đang đợt cao điểm (Mùng 1 Âm lịch) nên tôi mua số lượng rất nhiều, toàn bộ số chuối này sẽ được vận chuyển về chợ Bắc Trà My và Tam Kỳ trong hôm nay và ngày mai để phục vụ người dân cúng mùng Một” - Chị Thuận nói.
Nhiều nơi ở huyện Nam Trà My, các hộ gia đình trồng chuối xen với các loại cây khác như quế, sâm... vừa bảo tồn giống cây truyền thống của huyện, vừa nhân rộng các loại cây phát triển kinh tế gia đình. Từ những kết quả có được nhờ cây chuối, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục vận động bà con nhân rộng mô hình trồng chuối, nhưng không phá bỏ nương rẫy, không chặt phá rừng quế đã có, vừa bảo đảm giữ rừng, vừa ổn định kinh tế cho bà con.
Chị Trần Thị Duyên (nóc Ngọc Lê 3, thôn 4, xã Trà Nam) chia sẻ, gia đình chị hiện có trên 300 gốc chuối, cho quả quanh năm. Ngoài việc sử dụng hằng ngày, vườn chuối của chị cũng tạo ra thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/tháng, đặc biệt hai đợt cao điểm trong tháng là Rằm và Mùng 1 (Âm lịch), gia đình chị thu về từ 200.000 – 300.000 đồng/ ngày.
“Từ khi triển khai mô hình trồng chuối trên địa bàn xã đến nay, đời sống bà con có phần ổn định hơn trước, mô hình này cũng là động lực để nhiều hộ tham gia đăng ký thoát nghèo. Ngoài giúp nhân dân cải thiện cuộc sống, xã cũng ghi nhận nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình trồng chuối mốc, đơn cử như hộ ông Trần Văn Phới (thôn 1, xã Trà Nam) thoát nghèo nhờ nguồn thu chính từ cây chuối” - Ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch UBND xã Trà Nam, cho biết.
Theo ông Trịnh Minh Hải – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Trà My, việc triển khai mô hình trồng chuối được thực hiện trên cơ sở thực tế đất đai, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con. Qua gần 10 năm, tổng diện tích chuối trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt gần 100 ha, phân bố tại 9/10 xã.