Cây sâm Ngọc Linh đã giúp nhiều hộ dân ở huyện Nam Trà My không những thoát nghèo mà một số người còn trở thành tỷ phú giữa đại ngàn. Ảnh: L.K.
Nhiều năm trước, Nam Trà My được xem làm 1 trong những huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Địa hình nơi đây đa phần là đồi núi nên diện tích đất để sản xuất nông nghiệp rất ít. Có một thời, cái nghèo cái khó cứ bám riết mãi cuộc sống của bà con.
Vậy mà, giờ đây mảnh đất này đã dần “thay da đổi thịt”. Cái nghèo, cái khó ngày một rời xa khi người dân đã biết phát huy lợi thế của địa phương để vươn lên làm giàu. Đến nay, nhắc đến Nam Trà My, ai cũng nghĩ đến lại cây có giá trị kinh tế cao ngất ngưỡng – sâm Ngọc Linh rồi những loại dược liệu quý hiếm khác như Quế, đẳng sâm…
Xác định được lợi thế của địa phương, chính quyền huyện Nam Trà My cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các loại cây dược liệu này phục vụ cho chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng NTM. Theo đó, huyện đã tổ chức quán triệt các văn bản đến tận người dân, chỉ đạo UBND các xã, ban ngành triển khai thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện nay, đối với các loại cây dược liệu (ngoài sâm Ngọc Linh và quế Trà My), với sự hỗ trợ của nhà nước và nguồn lực tự có, 10/10 xã của huyện đã tích cực phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như: đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sa nhân… Thống kê đã có trên 1.500 hộ tham gia trồng và phát triển cây dược liệu các loại với diện tích 366ha.
Những nóc nhà khang trang đua nhau mọc lên giữa núi rừng Trà My. Ảnh: L.K.
Đối với cây quế Trà My, để giữ nguồn gen quý, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ khác nhau, huyện đã cấp hàng triệu cây quế để người dân trồng. Phân công ngành nông nghiệp trực tiếp đến cơ sở vận động người dân không phá bỏ vườn quế mà vẫn bảo tồn, tiếp tục tự ươm giống trồng thêm loại cây này.
Nhờ vậy, hiện nay, quế được trồng ở 10/10 xã với diện tích hiện có trên 3.600ha; định hướng của huyện đến năm 2025 sẽ phủ kín 6.000ha quế theo quy hoạch, từng bước hình thành nên các vùng quế chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu.
Với cây sâm Ngọc Linh, Nam Trà My tập trung chỉ đạo phát triển tại 7 xã thuộc vùng quy hoạch. Diện tích và số hộ trồng sâm tăng lên đáng kể. Nếu như vào năm 2014, số hộ trồng chỉ khoảng 110 hộ với 65ha diện tích thì đến nay đã hình thành 53 chốt trồng sâm với hơn 1.200 hộ dân và trên 1.600ha diện tích.
Không những vậy, nhờ có cơ chế, chính sách hỗ trợ của địa phương nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, Nam Trà My đã thu hút được 15 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm và dược liệu dưới tán rừng với diện tích đăng ký lên đến 2.000ha.
Chính nhờ việc trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh cũng như các cây dược liệu khác mà một số hộ dân của huyện Nam Trà My, đặc biệt là tại xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, nhiều hộ có thể nói là tỷ phú giữa đại ngàn, đã xây được nhà tầng, trang bị đầy đủ phương tiện, đồ dùng gia đình, mua sắm được ô tô.
Ông Nguyễn Cao Bằng (một trong những người trồng sâm Ngọc Linh nổi tiếng ở làng Tắk Lang, xã Trà Linh) vui vẻ cho biết: “Nếu như khoảng 8 năm trước, giá 1kg sâm củ chỉ độ 20 triệu đồng thì bây giờ đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhà tôi có 4 sào đất rẫy trên đỉnh Ngọc Linh đang hiện đang vun trồng khoảng 2 nghìn cây sâm giống. Mỗi năm, tôi thu hoạch khoảng 5 - 7kg sâm củ loại 1 (sâm trồng 5 năm), tính ra cũng thu tiền tỷ”.
Để ngày càng phát huy thêm hiệu quả từ cây sâm Ngọc Linh cũng như các loại cây dược liệu khác, huyện Nam Trà My rất chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển. Nhờ đó mà tỉ lệ và chất lượng cây giống sâm Ngọc Linh, cây dược liệu được nâng lên, đạt hiệu quả cao, giải quyết được vấn đề nguồn giống có chất lượng và hiệu quả. Từ đó, tăng thu nhập, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững cho người dân, góp phần tích cực trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của huyện.
LÊ KHÁNH (THEO NONGNGHIEP.VN)