Anh Phan Văn Minh đầu tư mô hình chăn nuôi heo khép kín, đạt tiêu chuẩn của Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.
Tốt nghiệp Đại học, anh Minh được tuyển dụng vào làm việc tại UBND xã Tam Lộc. Là người trẻ, trăn trở với việc làm giàu, phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Khi nhận thấy điều kiện của gia đình thuận lợi cho việc chăn nuôi. Minh bắt đầu tìm hiểu về việc chăn nuôi lợn theo quy mô lớn. Trong đó, hướng chăn nuôi theo kiểu gia công được Minh xem là hướng đi an toàn.
Anh Minh cho biết: Theo hợp đồng, công ty C.P. Việt Nam đầu tư cho Minh heo giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, còn Minh chỉ cần đảm bảo diện tích mặt bằng, cơ sở hạ tầng và bỏ công nuôi.
"Việc hợp tác như thế này giúp hai bên cùng có lợi. Người nuôi vừa có cơ hội tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa yên tâm sản xuất mà không phải lo giá thị trường biến động vì có công ty bao tiêu sản phẩm" - anh Minh nói.
Lợn tại trang trại anh Minh được nuôi theo quy mô công nghiệp, vật nuôi được nuôi trong điều kiện chuồng kín, chủ động kiểm soát nhiệt độ bằng hệ thống làm mát, chất thải được xử lý triệt để. Do vậy giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt, năng suất cao và hạn chế sử dụng thuốc thú y, không dùng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi thú y.
Theo anh Minh, chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ như gia đình và các hộ dân trước đây thường bị thương lái ép giá, nhiều rủi ro. Mô hình nuôi lợn gia công cho doanh nghiệp được công ty đảm bảo sản phẩm đầu vào và ra. “Giống, bột thức ăn của họ, nuôi không sợ lỗ cũng có chổ dựa để cho mình làm ăn đi lên” - anh Minh nói.
Bắt đầu nuôi từ đầu năm 2019, trang trại anh Minh đã xuất bán 2 lứa lứa lợn thịt, bình quân mỗi lứa trên dưới 1.000 con. Sau khi trừ các chi phí gia đình anh thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng/ lứa, mặc cho giá heo hơi bấp bênh.
Hiện anh Minh đã nâng quy mô trang trại lên Hợp tác xã (HTX) mang tên Tân Lộc Phát do anh Minh làm giám đốc. HTX của anh luôn tạo công ăn việc làm cho 5 công nhân trở lên là thanh niên tại địa phương, với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Cạnh đó, từ khi đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư đoàn xã Tam Lộc từ năm 2019, anh Minh đã trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho những thanh niên xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Giúp ĐVTN trong xã tham gia các lớp tập huấn để có cơ hội được giao lưu, học hỏi những cách thức phát triển kinh tế của thanh niên ở các địa phương trong cả nước.
Nhờ vậy, hiện xã Tam Lộc cũng có rất nhiều thanh niên mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế gia đình để thoát nghèo. “Muốn anh em bám địa phương và đồng tình với những chia sẻ, tư vấn về cách phát triển các mô hình kinh tế thì trước tiên mình phải đi đầu làm gương” – anh Minh nói.
Anh Nguyễn Trung Thạch – Phó bí thư Huyện đoàn Phú Ninh cho biết: Anh Minh là một cán bộ đoàn có tư duy dám nghĩ, dám làm trong làm ăn kinh tế, nhiệt tình trong các hoạt động đoàn và phong trào thanh niên tại địa phương, đặc biệt là việc giúp đỡ những thanh niên khác cùng làm kinh tế.
“Mô hình của Minh là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn huyện. Chúng tôi đang nghiên cứu, giới thiệu mô hình này đến đông đảo ĐVTN trên địa bàn huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian đến”, anh Thạch nói.