Cách đây 2 năm, người dân tại khu vực thôn 3 xã Trà Vân huyện Nam Trà My bắt đầu đưa cây sắn cao sản vào trồng thử nghiệm trên đất nương rẫy. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt, bình quân mỗi cây cho sản lượng gần 10kg củ. Nhận thấy được tiềm năng này nên hàng trăm hộ dân ở thôn 3 xã Trà Vân đều chặt bỏ cây keo do lợi nhuận thấp để chuyển hẵn sang trồng cây sắn cao sản. Theo đánh giá, trồng 1 héc ta sắn qua 1 năm có thể cho thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng. Nhờ mạng lưới giao thông kết nối mở, đặc biệt là tuyến đường Trường Sơn Đông nối từ huyện Nam Trà My với huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi góp phần giúp cho hoạt động thu mua vận chuyển sắn đi tiêu thụ thuận lợi. Nhờ đó nên giá cả luôn được bình ổn. Hiện tại 1kg sắn củ mua tại Trà Vân là 2.000đ. Trong hai năm qua, nhờ trồng sắn chuyên canh đã giúp nhiều hộ gia đình thu nhập cả trăm triệu đồng và nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói.
Đặc biệt thấy được lợi ích từ cây sắn cao sản nên số lượng người dân chuyển đổi từ trồng nương rẫy hiệu quả thấp sang trồng sắn ngày càng nhiều hơn. Vụ sắn mới được người dân nơi đây trồng từ đầu tháng 3 đến tầm tháng 12 là có thể thu hoạch.
Anh Nguyễn Ngọc Diệu ở làng ông Thanh (thôn 3, xã Trà Vân) cho biết, gia đình có gần 2ha đất rẫy, trước đây chủ yếu trồng cây keo. Năm 2021, sau khi bán rẫy keo, gia đình quyết định trồng cây sắn và đem lại thu nhập khá cao. Vụ sắn vừa qua thương lái mua hơn 2 nghìn đồng/kg nên anh thu về hơn 85 triệu đồng. “Ngày xưa trồng lúa rẫy, cây keo nên thu nhập chẳng được bao nhiêu, có khi còn thiếu đói mỗi khi giáp hạt. Từ ngày chuyển qua trồng sắn cao sản vừa cho năng suất cao mà còn được giá nên bà con rất phấn khởi. Bên cạnh đó, gia đình cũng trồng thêm cây quế Trà My làm của để dành sau này” - anh Diệu chia sẻ.
Điểm đặc biệt là khi trồng sắn, bà con cũng sẽ tự chủ động được nguồn giống để phát triển mở rộng diện tích. Hơn nữa cây sắn rất thích nghi với đất đối dốc, ít tốn công chăm sóc. Thời gian trồng đến lúc thu hoạch cũng ngắn ngủi và việc khai thác cũng đơn giản.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Bí thư Chi bộ thôn 3 cho biết, địa phương hiện có 175 hộ dân với hơn 700 khẩu. Trước đây, người dân chủ yếu trồng trọt tự phát, theo tập quán cũ, nên năng suất thấp khiến cuộc sống rất bấp bênh. Thời gian qua, nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, tập trung phát triển nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương nên đời sống của người dân dần khá lên. “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương rất thích hợp để trồng cây sắn, đầu ra của sản phẩm cũng ổn định do thương lái bên Quảng Ngãi qua mua nhiều. Mặc dù cây sắn chỉ mới được người dân trồng mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng đã giúp cho nhiều hộ dân ở thôn có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo” - ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, từ khi mô hình trồng sắn đem lại thu nhập khá, người dân không còn mặn mà với cây keo. Trước đây những đồi rẫy ven đường rất thuận lợi trong việc trồng keo, nay đã được người dân trồng sắn thay thế. Năm 2021, diện tích trồng sắn trên địa bàn khoảng 20ha, chủ yếu tập trung ở thôn 2, thôn 3. Bước sang năm 2022, diện tích đất rẫy được đưa vào trồng sắn phát triển lên hơn 50ha.
Không chỉ chú tâm đến cây sắn mà nhận thấy sự chuyển đổi cây trồng rất hiệu quả nên huyện Nam Trà y đã vận động bà con nhân dân tổ chức xen canh trồng cây quế Trà My vào các rẫy sắn nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài. Sau vài năm khi quế đã lớn xanh thì các hộ gia đình lại có thêm nguồn thu nhập từ cây quế truyền thống. Cây sắn sẽ giúp bà con kiếm thu nhập hàng năm còn cây quế là loại cây lâu năm như của để dành.
Được biết không riêng gì người dân xã Trà Vân mà hiện nay phong trồng sắn cao sản xen canh với cây quế lan tỏa ra các xã khác như Trà Vinh, Trà Mai, Trà Tập, Trà Dơn, Trà Don. Tất cả nguyên liệu sắn cũ được các thương lái từ Quảng Ngãi đến tận nới thu mua nhập về nhà máy chế biến công nghiệp nên giá cả được ổn định.
Mô hình trồng sắn kết hợp trồng cây lâu năm được xem là hướng đi mới phù hợp với tập quan canh tác của bà con và mở ra cơ hội để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng núi cao ở Quảng Nam./.