hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xoay xở với khô hạn - Bài cuối: Ngăn mặn, giữ ngọt và tiết kiệm nước (21/05/2019)
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rõ rệt đến nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt ở vùng hạ du hai hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Các công trình cải tạo, điều tiết nước phục vụ ngắn hạn và cả giải pháp lâu dài đều đang được tính đến để chia sẻ nguồn nước hài hòa lợi ích của cả hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng.
Xây dựng đập bổi trên sông Vĩnh Điện giúp đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhiều trạm bơm hoạt động ổn định. Ảnh: S.T
Xây dựng đập bổi trên sông Vĩnh Điện giúp đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhiều trạm bơm hoạt động ổn định. Ảnh: S.T

Lợi ích từ đập ngăn mặn

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Kiệt - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp I Điện Ngọc cho biết, hiện nay trên địa bàn phường Điện Ngọc có tổng cộng 250ha đất canh tác lúa và số diện tích này chủ yếu dựa vào nguồn nước tưới của trạm bơm điện Tứ Câu. Từ năm 2013 đến nay, nhờ có tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện nên trạm bơm điện Tứ Câu không còn bị nước mặn tấn công như trước đây và việc sản xuất 250ha lúa của nông dân địa phương trong vụ hè thu diễn ra khá thuận lợi.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn kể, vụ hè thu năm 2012 do nước mặn liên tục xâm nhập sâu vào bể hút của 2 trạm bơm điện Tứ Câu, Cẩm Sa và một số trạm bơm điện khác nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn nên toàn thị xã Điện Bàn có đến 1.000ha lúa bị khô hạn nặng dẫn đến mất mùa nghiêm trọng. Trước tình hình trên, từ năm 2013 đến nay năm nào ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền thị xã Điện Bàn cũng tổ chức đắp tuyến đập bổi ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện - nhánh rẽ của sông Thu Bồn với chiều dài 105m nhằm tạo nguồn nước ngọt thường xuyên cho 8 trạm bơm điện ở hạ lưu sông Thu Bồn hoạt động ổn định. Từ đó, đảm bảo chủ động cung ứng nước tưới cho gần 1.900ha lúa của nhiều địa phương thuộc thị xã Điện Bàn, TP. Hội An và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng).

“Những năm trước, thường là cuối tháng 2 dương lịch chúng tôi mới tiến hành đắp tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt này. Tuy nhiên, do năm nay mặn xâm nhập sớm vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ rất cao nên ngay từ đầu tháng 1 dương lịch đã phải triển khai thi công với tổng kinh phí đầu tư 2,4 tỷ đồng. Nếu không có con đập đó, chắc chắn gần 1.900ha lúa của nông dân Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng đã bị khô hạn nặng trong vụ đông xuân 2018 - 2019 vừa rồi. Vụ hè thu 2019 này, tuyến đập đó sẽ là lá chắn ngăn mặn để các trạm bơm điện phía hạ lưu sông Thu Bồn hoạt động ổn định, cung cấp nước tưới thường xuyên cho số diện tích lúa vừa nêu” - ông Chơi chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, do thời tiết ngày càng cực đoan nên nhiều năm nay nước mặn liên tục xâm nhập vào hạ du sông Thu Bồn với nồng độ rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nông nghiệp của nông dân 2 huyện Duy Xuyên và Quế Sơn, nhất là trong vụ hè thu. Trước tình hình trên, từ năm 2002 đến nay (trừ năm 2017) năm nào đơn vị cũng tiến hành đắp tuyến đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Thu Bồn tại khu vực cầu Đen thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên. Tuyến đập bổi này có chiều dài khoảng 100 - 120m với kinh phí đầu tư 500 - 550 triệu đồng. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc xây dựng đập bổi đó mang lại rất nhiều cái lợi. Cụ thể là đảm bảo nguồn nước ngọt cho trạm bơm điện Xuyên Đông hoạt động thường xuyên, chủ động cung ứng nước tưới cho 600ha lúa của nông dân thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Phước, Duy Vinh. Bên cạnh đó, tạo nguồn nước cho 2 trạm bơm điện 19.5 và 2.9 vận hành ổn định để phục vụ nước tưới cho 400ha lúa. Đồng thời tuyến đập bổi trên còn có chức năng chống xâm nhập mặn cho thượng lưu đập bara Duy Thành nhằm tạo điều kiện cho nhiều trạm bơm nằm trên lưu vực sông Bà Rén hoạt động hiệu quả, phục vụ nước tưới cho 850ha lúa. Không chỉ vậy, con đập này cũng tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Nam Phước vận hành ổn định để phục vụ nước sinh hoạt cho hàng nghìn cơ quan, doanh nghiệp, người dân.

Tính đường dài cho nguồn nước

Vài năm gần đây, hiện tượng nhiễm mặn đã ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu, sinh hoạt của TP.Đà Nẵng. Từ đầu năm đến nay, nước sông Cầu Đỏ (hạ lưu sông Vu Gia) tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ - TP.Đà Nẵng đang phải trải qua nhiều đợt nhiễm mặn nặng.

Chỉ từ tháng 2 đến tháng 4.2019, tại nhà máy nước Cầu Đỏ đã có 71 ngày nhiễm mặn với độ mặn cao nhất lên đến 2.112mg/l. Bên cạnh việc đề nghị đơn vị chủ hồ chứa của các công ty thủy điện trên địa bàn Quảng Nam tăng cường xả nước về hạ du để đẩy mặn thì trong tháng 3 vừa qua TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đã phối hợp đắp đập tạm ngăn sông Quảng Huế với hơn 3.700 bao cát để điều tiết thêm nước về hạ du TP.Đà Nẵng.

Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Quảng Nam) cho biết, trước kia lưu lượng nước từ sông Vu Gia đổ qua Quảng Huế về sông Thu Bồn chỉ khoảng 20% nhưng do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây tỷ lệ này đang tăng lên nhiều hơn khiến hạ du sông Vu Gia gặp nhiều khó khăn, vì vậy việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế là rất cần thiết.

“Hiện chúng tôi đã và đang tiến hành đo đạc, khảo sát tác động của đập tạm này đến bờ sông, dòng chảy để có các thông số, nếu khả thi thì lên phương án xây dựng đập vĩnh cửu tại đây” - ông Trương Xuân Tý nói.

Từ khi tiến hành xây đập bổi trên sông Vĩnh Điện, đã có một số ý kiến từ các ngành chức năng của TP.Đà Nẵng lo ngại việc đắp đập sẽ khiến tình hình nhiễm mặn ở phía Đà Nẵng trầm trọng hơn và cần xem xét lại việc xây dựng đập vĩnh cửu tại khu vực này. Tuy vậy, hiện nay sông Vĩnh Điện đang chịu mặn từ cả hai phía Cửa Đại và Cửa Hàn.

Tại cuộc họp vừa qua của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng đập điều tiết trên sông Vĩnh Điện không xây độc lập mà hiện nay tại Điện Bàn đang xây kèm với cầu qua sông Vĩnh Điện, do đó khi xây dựng cầu kết hợp với đập thì phạm vi ngăn mặn mở rộng hơn so với đập hiện nay, từ đó giúp quản lý nguồn nước tốt hơn.

“Mấy năm nay chúng ta đã mất hơn 10 tỷ đồng xuống sông, xuống biển vì cứ đầu năm xây đập tạm rồi đến mùa lũ lại phải bỏ đi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, nhìn chung chất lượng nguồn nước trên toàn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ bị ô nhiễm nhẹ đối với các thông số TSS, Coliform. So với những năm trước (trước 2014) chất lượng nguồn nước đã được cải thiện rất đáng kể.

Theo ông Lê Viết Xê - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hiện nay các bên liên quan chưa liên kết chặt chẽ, về lâu dài phải có ban quản lý chung kết nối các đơn vị thủy điện, hồ chứa thủy lợi, trạm thủy văn… của hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng với nhau để cung cấp liên thông về số liệu thì mới có cơ sở quản lý, điều phối nước phục vụ cộng đồng.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  610 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 97 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com