 |
Rau quả sạch đáp ứng an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: QUANG VIỆT |
Sản xuất sạch hơn
Kế thừa những thành quả người nông dân thu được từ canh tác rau quả hữu cơ ở khối phố An Mỹ (phường Cẩm Châu, Hội An) và thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, Hội An), Phòng Kinh tế TP.Hội An đã tiếp sức nông hộ trên địa bàn xã Cẩm Kim trồng rau quả theo hướng VietGAP và hữu cơ. Các nông hộ đã được trang bị kiến thức về trồng rau quả sạch, an toàn do ngành chức năng tập huấn rồi cùng tham quan, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm của các nông hộ khác trên địa bàn thành phố để áp dụng đối với diện tích 2ha ở thôn Trung Hà vào năm 2018. Đặc biệt, sau mỗi vụ sản xuất, người nông dân đã trực tiếp đến tham quan mô hình trồng rau quả hữu cơ do An Farm Hội An triển khai đem lại hiệu quả bước đầu ở vùng cát thôn Bầu Ốc Thượng (xã Cẩm Hà, Hội An).
Bà Phan Thị Lương (thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim) cho biết, trồng rau quả theo phương thức VietGAP và hữu cơ đòi hỏi người nông dân phải thao tác thành thục nhiều công đoạn từ làm đất, chọn giống, cách thức gieo trồng, chế biến men vi sinh để phòng trừ sâu bệnh, cho tới ghi nhật ký để truy xuất nguồn gốc nông sản. “Tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của hơn nhưng trồng rau quả VietGAP, hữu cơ giúp sản phẩm đáp ứng các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị kinh tế mang lại từ bán sản phẩm cũng cao hơn” - bà Lương nói.
Theo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, chủ trương của địa phương là giúp nông dân sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, đã có nhiều hỗ trợ về vốn vay, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi chất lượng để nông hộ đầu tư sản xuất lớn. Hiệu quả thu được ban đầu là thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nhỏ lẻ. Thay vào đó, người nông dân đã dần đáp ứng các tiêu chí sản xuất sạch, an toàn theo phương thức hữu cơ, VietGAP. Một số cánh đồng rau sạch đã dần thành hình ở các xã Tam Phú, phường Trường Xuân. Các sản phẩm rau quả đã được đưa vào siêu thị, đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài TP.Tam Kỳ. Ở các huyện Phú Ninh, Núi Thành, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cũng đã không còn quá xa lạ đối với người nông dân, đặc biệt là đáp ứng xu hướng tiêu dùng sạch, khắt khe của người tiêu dùng.
Ông Võ Thy Mô - Phó Chủ tịch UBND xã Tam An (Phú Ninh) cho biết, sản xuất nông nghiệp phải đưa sản phẩm đến thị trường ngày càng khó tính với hàng loạt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, huyện, hướng dẫn nông hộ sản xuất rau quả hữu cơ, VietGAP. Hợp tác xã nông nghiệp được thành lập đã trở thành “bà đỡ” đưa sản phẩm của người nông dân đến đông đảo người tiêu dùng, đem lại giá trị kinh tế thiết thực.
Thương mại “xanh”
Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ, dùng lá chuối để gói thực phẩm sạch bán cho người tiêu dùng không chỉ là phong trào mới mẻ trong kinh doanh mà mục đích lớn hơn là bảo vệ môi trường. Khi môi trường được bảo vệ thì ngành trồng trọt và chăn nuôi sẽ có thêm điều kiện để sản xuất sạch tốt hơn. Khi đó, các yếu tố đất đai, nguồn nước, không khí sạch sẽ khiến sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ có thêm điều kiện để thu được sản phẩm chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi luôn đón nhận mọi sản phẩm nông nghiệp sạch được nông hộ, HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh đưa đến. Không chỉ vì đáp ứng quan điểm kinh doanh mà còn bảo vệ người tiêu dùng, hướng đến thương mại “xanh”, bền vững. Siêu thị góp phần bảo vệ môi trường thì không có lý do gì người nông dân không góp phần bảo vệ môi trường để sản xuất nông nghiệp sạch tốt hơn” - bà Lai nói. Đến thời điểm này, các sản phẩm từ nông nghiệp sạch như dầu phụng, dầu mè, bánh tráng, nước mắm, thịt heo, thịt bò, rau quả... được sản xuất ở nhiều địa phương như Thăng Bình, Đại Lộc, Tam Kỳ, Điện Bàn, Phú Ninh đang bày bán tại Co.opMart Tam Kỳ luôn được người tiêu dùng đón nhận, mua sắm.
Khắp các khu phố cổ cũng như các vùng ven TP.Hội An, người tiêu dùng tìm cửa hàng thực phẩm sạch để mua sản phẩm về dùng không khó. Giá cả sản phẩm được bán ở các địa chỉ đó có đắt hơn khi bán ở chợ nhưng không nhiều. Tương quan với các yếu tố đầu vào, nhất là công sức, kỹ thuật người nông dân đầu tư thì mức chênh lệch về giá cả của sản phẩm được sản xuất từ phương thức VietGAP hay hữu cơ không cao. Ở TP.Tam Kỳ, nhiều địa điểm bán thực phẩm sạch như các cửa hàng bố trí ở đường Huỳnh Thúc Kháng hay Trưng Nữ Vương. Mới đây, An Phú Farm có địa chỉ ở đường Huỳnh Thúc Kháng (Tam Kỳ) đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp cung cấp thực phẩm sạch ở tỉnh Lâm Đồng, đa dạng, phong phú nguồn hàng thực phẩm sạch để bán cho người tiêu dùng. Nói như chị Nguyễn Thị Loan Trinh - đại diện cửa hàng bán thực phẩm sạch của An Phú Farm tại TP.Tam Kỳ, thực phẩm sạch luôn dồi dào, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại của khách hàng.