hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hợp tác nuôi trồng theo hướng an toàn (09/05/2019)
Nhờ chủ động về thị trường, đầu ra, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân Điện Tiến, Điện Minh (Điện Bàn) đã hợp tác chăn nuôi, trồng rau theo hướng an toàn và đạt được thành công bước đầu.
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Điện Minh 2, Điện Bàn. Ảnh: P.P
Mô hình trồng rau thủy canh của HTX Điện Minh 2, Điện Bàn. Ảnh: P.P

Liên kết nuôi cá lồng bè

Hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình tổ hợp tác (THT) nuôi cá lồng bè thôn Thái Cẩm (Điện Tiến, Điện Bàn) đã phát huy hiệu quả bước đầu, từng bước đi vào hoạt động ổn định. Từ 2 hộ nuôi cá vào năm 2017, đến nay, THT đã có 8 hộ tham gia nuôi với tổng diện tích 23ha, 80 lồng bè. Mỗi năm, các thành viên THT nuôi 2 vụ, chủ yếu cá trôi, mè, ba sa, chép, rô phi, ếch... Bình quân mỗi năm, THT cung ứng ra thị trường gần 40 tấn cá, ếch các loại với giá xuất bán các loại thấp nhất là 25 nghìn đồng/kg và cao nhất là 40 - 50 nghìn đồng/kg.

Ông Trần Văn Lộc, một thành viên THT Thái Cẩm cho biết, THT đang liên kết với 6 hộ nuôi cá, đầu ra tương đối ổn định, chủ yếu bán cho thương lái ở Đà Nẵng. Trong khi cá nuôi hồ ao chỉ bán được với giá khoảng 25 nghìn đồng/kg thì cá nuôi trên sông vốn là môi trường tự nhiên, thịt thơm ngon nên giá bán cao hơn nhiều. Ông Trịnh Quốc Đạt, một thành viên của THT Thái Cẩm cho biết thêm, cá nước ngọt trên sông có lợi thế nuôi từ môi trường sông nước nên đỡ tốn chi phí về vệ sinh môi trường ao nuôi, ít xảy ra dịch bệnh. Từ 1 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu, qua 3 năm thả nuôi, các thành viên THT đã thu hồi được số vốn bỏ ra và có lãi, còn trả công lao động cho 20 người với mức 5 triệu đồng/tháng/người. “Nhờ nuôi cá lồng bè trên sông mà đến nay nhiều hộ dân trong thôn đã có thu nhập ổn định, đời sống dần khấm khá. Mỗi lồng bè thả nuôi đến kỳ thu hoạch cho doanh thu đạt 100 triệu đồng/lồng/năm. Mỗi hộ nuôi cá của THT đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm, sau khi trừ chi phí, mức lãi tương đối cao. Tuy nhiên, dù thành công bước đầu nhưng việc mở rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân, đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở vật chất, lồng bè di động trên sông. Các thành viên THT hiện còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay từ ngân hàng nông nghiệp” - ông Đạt nói.

Cũng theo nhiều thành viên của THT Thái Cẩm, thời gian qua, xã Điện Tiến đã định hướng nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, đầu tư tổng cộng 700 triệu đồng cho 3 dự án hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp nhưng chưa đáp ứng nhu cầu vốn vay của nông dân, trong đó có THT Thái Cẩm. Ngoài ra, hiện nay việc xây dựng thương hiệu cá lồng bè Thái Cẩm còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có kiểm định về mặt chất lượng, liên kết đầu ra ổn định, chứng nhận an toàn cũng như đầu tư đúng mức về cơ sở hạ tầng vùng nuôi...

Sản xuất rau an toàn

Nhận thấy tiềm năng và đầu ra khá tốt từ cây rau an toàn ở thôn Khuất Lũy, từ 2.2018, HTX Điện Minh 2 (Điện Bàn) đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới kết hợp với nhà trồng rau thủy canh, hướng tới sản xuất rau an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới hàng tỷ đồng của xã Điện Minh, HTX Điện Minh 2 còn được hỗ trợ vay vốn 700 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, nhà vòm, máy bơm tưới, hệ thống nuôi cấy cây giống, vườn ươm, nhà sản xuất… trên diện tích 1ha, trong đó nhà sản xuất rau hơn 300m2.

Theo ông Đỗ Nam - Giám đốc HTX Điện Minh 2, mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ cao của HTX được đầu tư khép kín với cơ sở vật chất, hạ tầng tiên tiến, có trang bị hệ thống điều khiển từ xa điều khiển tất cả quy trình chăm sóc rau, tự động điều tiết giờ chăm sóc (tưới nước, tưới dinh dưỡng, bón phân vi sinh,… Mô hình trồng rau thủy canh trên tổng diện tích 320m2, chủ yếu canh tác giống xà lách roman và cải mui có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hà Lan. Rau thủy canh có đặc điểm là bộ rễ dài, có thể bảo quản hơn 1 tuần sau khi thu hoạch, rất an toàn với sức khỏe người tiêu dùng. Mỗi ký rau thủy canh được bán ra với giá 30 nghìn đồng (trong khi thị trường là 60 nghìn đồng/kg). Hiện, sản phẩm rau thủy canh được HTX bắt đầu cung ứng cho một số cơ sở nhà hàng, siêu thị tại Quảng Nam và Đà Nẵng. “Đây là giai đoạn còn khó khăn nhưng cũng là thời gian để chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình với thị trường và đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu. Sản xuất ra an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, hướng tới phát triển bền vững là hướng đi của chúng tôi” - ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, HTX dự định đầu tư thêm mấy héc ta cho hệ thống nhà lưới trồng rau an toàn ở khu vực bãi bồi thôn Khuất Lũy (xã Điện Minh). Tuy nhiên, mọi việc chỉ mới ở dự định, cần có những bước đi vững chắc bởi nông nghiệp luôn nhiều rủi ro...

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  858 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 96 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com