 |
Sửa chữa hệ thống cấp nước sinh hoạt ở Bãi Ông (Cù Lao Chàm). Ảnh: K.LINH |
Cù Lao Chàm hụt nước ngầm
Bà Hồ Thị Thanh Tâm - chủ nhà hàng Nhân Tâm tại Bãi Ông, Cù Lao Chàm chia sẻ, mấy ngày qua do xuất hiện nhiều cơn mưa buổi chiều nên nguồn nước suối về tương đối dồi dào, đủ dùng cho sinh hoạt, dù vậy hoạt động tắm rửa của khách vẫn phải sử dụng nước ngầm bơm lên. “Nước suối chỉ dùng để nấu ăn thôi, khách tắm rửa phải sử dụng nước ngầm bơm lên; tuy nhiên tại một số vị trí nước bốc mùi hôi và có phèn vàng. Để xử lý, mỗi tối tôi phải bơm nước ngầm và nước suối lên bồn trộn lại nhằm hạn chế mùi và để nước trong hơn” - bà Tâm nói. Tương tự, theo bà Mai Thị Cúc - chủ nhà hàng Mai Khoa ở Bãi Ông, hoạt động tắm rửa của khách chủ yếu dùng nước máy đóng gần bờ biển, còn nấu ăn thì dùng nước suối dẫn về vì nước suối không đủ để dùng cho tắm rửa. “Việc sử dụng nước ngầm nhiều không tốt nhưng ở đây không dùng nước giếng bơm thì không có nước sử dụng” - bà Cúc cho biết.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp xác nhận, hiện hồ chứa nước tại Bãi Bìm (dung tích 80 nghìn mét khối) chỉ đảm bảo cho người dân sinh sống tại Bãi Ông và Bãi Hương, nửa số dân của Bãi Làng phải dùng nước giếng bơm. Riêng các hoạt động phục vụ khách du lịch tại Bãi Ông, nhất là tại 3 nhà vệ sinh công cộng nơi đây vẫn phải đóng giếng bơm nước tại chỗ. Năm 2017, Phòng TN-MT TP.Hội An tiến hành khảo sát, đánh giá sơ bộ trữ lượng nước ngầm trên đảo, kết quả cho thấy nguồn nước ngầm Cù Lao Chàm tương đối thấp. Đặc biệt, chất lượng mẫu nước cũng không đảm bảo, đa số chỉ tiêu đo đạc có hàm lượng thấp hơn mức cho phép. Riêng 3 chỉ tiêu NH4+, Coliforms và E.coli tại một số vị trí vượt mức cho phép của quy chuẩn.
 |
Nguồn nước giếng đóng ở thôn Gia Huệ, xã Đại Minh đỏ ngầu. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, với Cù Lao Chàm thì nỗi lo thiếu nước luôn thường trực. Nghiêm trọng nhất, qua khảo sát hồ nước tại Bãi Bìm phát hiện hồ bị nứt thấm khiến lượng nước thất thoát nhiều. Bây giờ có thể đảm bảo nguồn nước, nhưng những ngày nắng nóng sắp tới chắc chắn sẽ khó. Vừa rồi, UBND thành phố đã giao Phòng Kinh tế khẩn trương làm hồ sơ xử lý chống thấm khe nứt hồ chứa nước Bãi Bìm nhằm chống hao hụt nước. Ngoài ra, đơn vị bộ đội đóng chân ở đảo đang triển khai dự án nhà máy nước từ Chương trình Biển Đông - hải đảo, hy vọng khi dự án hoàn thành sẽ thêm nguồn nước sạch cấp cho đảo. Cũng theo ông Hùng, một số giải pháp đã được địa phương nghĩ tới như xây bể cục bộ ở một số nơi để chứa nước mưa nhưng chưa biết xây ở đâu. “Thành phố đã tính tới việc xây một hồ tự nhiên tại Đồng Chùa trữ nước nhưng để làm thì không đơn giản. Người dân tại Bãi Làng vẫn phải sử dụng nước ngầm khai thác từ các giếng. Bây giờ thành phố không cho đóng giếng mới nữa, thậm chí sẽ giảm dần các giếng này nhằm giữ nguồn nước ngầm” - ông Hùng nói.
Nhiều công trình nước sạch bỏ hoang
Nhiều tháng qua, gia đình ông Huỳnh Tấn Tuấn (tổ 4, thôn A Đông, xã Duy Hòa, Duy Xuyên) phải sử dụng nguồn nước từ giếng đóng đục màu váng sữa, lọc qua mấy lớp để sinh hoạt. Lo sợ nguy hại đến sức khỏe, gia đình ông đầu tư 6 triệu đồng để mua máy lọc về xử lý nguồn nước ăn uống. “Nước đục như nước cơm nhưng mỗi lần bơm nước rất vất vả, phải chờ nửa tiếng mới có nước. Nguồn nước từ giếng đóng cạn kiệt dần qua từng năm, vùng này nhiều giếng đã khô trơ đáy, thậm chí đóng 60m vẫn không có nước” - ông Tuấn thông tin. Riêng tổ 1, thôn A Đông có trên 50 hộ chưa có đủ nước sinh hoạt, dù nhà nào cũng cố gắng đóng 1 - 2 giếng. Tương tự như thôn A Đông, toàn bộ nguồn nước giếng đào, giếng đóng ở thôn Gia Huệ (xã Đại Minh, Đại Lộc) cũng bị suy kiệt nghiêm trọng, số giếng có nước lại nhiễm phèn nặng. Ông Nguyễn Hồng Lâm (tổ 2, thôn Gia Huệ) cho biết, nước giếng đóng gia đình ông chỉ có thể lọc thô để tắm heo, tưới cây, phục vụ vệ sinh, còn lại toàn bộ nước uống phải mua nước bình sử dụng, nhiều người tranh thủ gánh ở giếng làng vào ban đêm. “Khu vực này luôn khô kiệt nguồn nước từ sau giải phóng tới nay. Trước đây, chúng tôi còn được cấp nước sạch từ công trình của xã Đại Thắng thì nay nguồn đó không còn nữa nên mạnh ai nấy xoay xở” - ông Lâm nói.
Trong khi hàng trăm hộ dân thôn A Đông thiếu nước sạch thì công trình cấp nước do nhà máy bia LBS tài trợ lại “đắp chiếu” từ năm 2017 đến nay. Ông Nguyễn Tụ (tổ 3, thôn A Đông) nói: “Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục công trình nước sạch này giúp người dân có nước sinh hoạt”. Theo ông Trần Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa, thôn A Đông có 3 tổ với tổng cộng 400 hộ dân. Nhu cầu về nước sinh hoạt lẫn nước sạch rất lớn. “Những năm gần đây, thời tiết rất bất thường, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt. Do nguồn nước khó khăn nên không doanh nghiệp nào muốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước” - ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, A Đông (400 hộ) và khu vực ngã tư Kiểm Lâm (300 hộ) là 2 vùng trọng điểm thiếu nước. Công trình cấp nước sạch ở khu vực ngã tư Kiểm Lâm hiện được xã bàn giao cho một hộ tư nhân quản lý, vận hành.
Xã Đại Minh cũng từng được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch cho các thôn trọng điểm với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà công trình bị bỏ hoang nhiều năm nay. Ông Lê Hoàng Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh nói: “Toàn xã có 1.900 hộ thì hơn 40% số hộ đối diện nguy cơ thiếu nước. Xã đang vận động nguồn hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sạch, nhưng vẫn còn khó khăn. Địa phương đang chờ dự án cấp nước hồ Khe Tân triển khai cấp nước cho nhiều xã vùng B. Còn phương án khoan giếng ở Đại Minh không khả thi vì khu vực này khoan 60 - 70m không có nước” - ông Thu nói.