hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xoay xở với khô hạn - Bài 1: Lo nước tưới cho cây trồng (21/05/2019)
Quảng Nam bước vào mùa khô hạn. Nhiều nơi người dân đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt; trong khi đó vụ hè thu sắp tới được dự báo khả năng thiếu nguồn nước tưới, xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp. Hiện ngành chức năng và nhiều địa phương đã triển khai các phương án để đối phó, nhưng rất chật vật.
Đắp đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt tại khu vực cầu Đen thuộc huyện Duy Xuyên.    Ảnh: VĂN SỰ
Đắp đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt tại khu vực cầu Đen thuộc huyện Duy Xuyên. Ảnh: VĂN SỰ

BÀI 1: LO NƯỚC TƯỚI CHO CÂY TRỒNG

Nắng nóng kéo dài, mặn liên tục xâm nhập sâu vào các con sông với nồng độ cao nên rất nhiều khả năng vụ hè thu 2019 tình trạng khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã đưa ra nhiều phương án đối phó...

Nguy cơ khô hạn diện rộng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để công tác phòng chống hạn vụ hè thu 2019 mang lại hiệu quả cao, ngay từ bây giờ các đơn vị quản lý hồ chứa cần tính toán, cân đối khả năng nguồn nước để xây dựng kế hoạch điều tiết nước một cách phù hợp, đồng thời tăng cường công tác quan trắc độ mặn trước và trong vụ sản xuất để đảm bảo an toàn nguồn nước tưới cho cây trồng. “Đối với những vùng khó khăn về nước tưới, nhất thiết phải xây dựng cụ thể các phương án và tiến hành chuyển đổi những chân ruộng lúa có nguy cơ cao bị khô hạn nặng sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực” - ông Doanh nói.

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng phòng Quản lý khai thác trực thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam thông tin, hiện nay đơn vị đang quản lý, vận hành 17 hồ chứa nước có quy mô vừa và lớn cùng 28 trạm bơm điện. Theo ông Châu, hè thu 2019 số công trình thủy lợi nêu trên dự kiến sẽ đảm nhận cung ứng nước tưới cho hơn 25.542ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lúa. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ mùa sắp tới là rất cao. Hiện nay, mực nước của hầu hết hồ chứa do công ty quản lý và khai thác đều thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đáng quan ngại là mực nước của hồ chứa Phú Ninh thấp hơn 0,73m và mực nước của hồ chứa Khe Tân thấp hơn 1,02m. Nếu thời gian tới nắng nóng tiếp tục kéo dài thì dự kiến hè thu năm nay sẽ có 8.633ha lúa thuộc các khu tưới của công ty sẽ bị khô hạn nặng, nhất là tại Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc.

Không chỉ mực nước của 73 hồ chứa lớn nhỏ do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam và các địa phương quản lý đang tụt giảm mạnh, thời gian qua dòng chảy của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cũng ngày càng hạ thấp. Đặc biệt, những ngày gần đây mặn liên tục xâm nhập sâu vào hạ lưu sông Thu Bồn với nồng độ cao khiến ngành liên quan, chính quyền các cấp và nhất là nông dân thực sự lo lắng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, qua quan trắc cho thấy, từ đầu tháng 5 đến nay nồng độ mặn trên sông Thu Bồn đoạn từ cầu Câu Lâu cũ lên tới cầu Đen thuộc địa bàn Duy Xuyên - Điện Bàn luôn dao động ở mức 12 - 15 phần nghìn. Riêng tại khu vực sát lạch dẫn nước vào bể hút của trạm bơm điện Xuyên Đông (Nam Phước, Duy Xuyên) nồng độ mặn đo được là 1,3 phần nghìn (vượt thông số cho phép vận hành các tổ máy).

Ông Châu nhìn nhận: “Những ngày tới, nếu sông Thu Bồn vẫn cứ bị mặn xâm nhập với nồng độ cao thì chắc chắn các trạm bơm điện nằm dọc con sông này sẽ vận hành hết sức khó khăn và nguy cơ sẽ có ít nhất 2.000ha đất sản xuất lúa của nông dân Duy Xuyên, Quế Sơn bị thiếu nước đổ ải gieo sạ cũng như tưới dưỡng mạ non ngay từ đầu vụ hè thu 2019”.

Tập trung ứng phó

Hiện nay, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương đã tính toán nhiều phương án đối phó với tình trạng khô hạn, nhiễm mặn. Ông Nguyễn Tấn Phát - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, trong số 392ha đất lúa không thể gieo sạ được trong vụ hè thu 2019 thì sắp tới các ngành, các cấp của huyện sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 200ha sang sản xuất 2 loại cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt là đậu phụng và bắp lai.

“Hiện nay, Hiệp Đức cũng đã xây dựng phương án chống hạn cụ thể cho từng vùng với tổng kinh phí dự toán 1,6 tỷ đồng. Trong trường hợp 100ha lúa ở những vùng cuối kênh bị khô hạn nặng, huyện sẽ lắp đặt 16 máy bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước từ các ao hồ, sông suối, đầm lạch bơm tưới, đồng thời dùng rọ đá chặn dòng chảy các con suối để hình thành các đập thời vụ và lắp đặt hệ thống đường ống nhựa đưa nước về các xứ đồng” - ông Phát nói.

Nhiều chân ruộng ở vùng tây huyện Quế Sơn có nguy cơ bị khô hạn nặng. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều chân ruộng ở vùng tây huyện Quế Sơn có nguy cơ bị khô hạn nặng. Ảnh: VĂN SỰ

Ngay từ giữa tháng 4.2019, huyện Nông Sơn cũng đã thiết lập phương án chống hạn cho vụ hè thu 2019 với tổng số kinh phí dự kiến là 2,3 tỷ đồng.

Ông Đỗ Đình Long - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn nói: “Cùng với việc hỗ trợ nông dân chuyển 20ha đất lúa ở những khu vực có điều kiện tương đối thuận lợi sang sản xuất các loại cây trồng cạn thì thời gian qua ngành nông nghiệp huyện cũng đã tính đến nhiều giải pháp công trình để chống hạn cho 285ha lúa có nguy cơ thiếu nước tưới nghiêm trọng. Theo đó, nếu khô hạn hoành hành, huyện sẽ tập trung gia cố hệ thống đập bổi, đập dâng và trưng dụng 15 - 20 máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu, tổng nguồn kinh phí đơn vị dự kiến phục vụ công tác phòng chống hạn vụ hè thu 2019 là gần 5,7 tỷ đồng. Để đảm bảo cho trạm bơm Xuyên Đông cũng như một số trạm bơm khác nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn hoạt động ổn định nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho 2.000ha lúa của Duy Xuyên và Quế Sơn, ngày 21.4 công ty đã tiến hành đắp đập bổi ngăn mặn - giữ ngọt tại khu vực cầu Đen với chiều dài 200m và đến nay đã cơ bản hoàn thành.

“Cùng với việc đắp tuyến đập bổi trọng yếu đó, chúng tôi cũng đã và đang triển khai nạo vét các lòng hồ, lạch dẫn nước trên nhiều tuyến sông, hệ thống kênh chính, bể hút các trạm bơm điện... Đặc biệt, sẽ lắp đặt 100 - 120 máy bơm dã chiến tại nhiều khu vực” - ông Châu nói thêm.

Xác lập khung thời vụ và bố trí cơ cấu giống phù hợp

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong vụ hè thu sắp tới toàn tỉnh sẽ tiến hành gieo sạ 42.000ha lúa. Trước tình trạng nắng hạn kéo dài và mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông, hè thu năm nay nguy cơ thiếu nước tưới trên diện rộng là điều khó tránh khỏi. Nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra, ông Tấn đề nghị các đơn vị liên quan và chính quyền các cấp phải tập trung phổ biến, hướng dẫn nông dân sử dụng những loại giống lúa trung – ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt để sản xuất đại trà. Trong đó, ưu tiên bố trí các giống lúa chủ lực như PC6, HT1, TH3-3, TH3-5, BC15, TBR225, MT10, ĐV108, KD18, SV181...

“Theo khung thời vụ đã thiết lập, thời gian xuống giống 42.000ha lúa hè thu 2019 bắt đầu triển khai từ ngày 20.5 và kết thúc vào ngày 5.6.2019 để lúa trổ đòng từ ngày 25.7 đến 10.8 và thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là ngày 10.9. Riêng những vùng sử dụng nước của hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh và một số khu vực đặc thù khác, do thiếu nguồn nước nên mở nước từ ngày 25.5.2019. Vì vậy, các địa phương khuyến cáo nông dân dùng những loại giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90 - 95 ngày) để gieo sạ theo phương thức có nước đến đâu thì khẩn trương làm đất, đổ ải xuống giống đến đó”  - ông Tấn nói.

-----------------------
Bài 2: Chật vật tìm nguồn nước sinh hoạt

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  705 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 97 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com