
Điểm cầu Quảng Nam
Theo báo cáo tại hội nghị, ngay sau khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xuất hiện tại Trung Quốc vào tháng 8/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập (do mật độ chăn nuôi lợn dày đặc trong các thôn, xóm, nhất là ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng) làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Tính đến hết ngày 12/5, DTLCP đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố; với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn cả nước). Đặc biệt, có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cho biết: Bệnh DTLCP là bệnh nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh; virut có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước, đặc biệt các nước có chung đường biên giới nên việc ngăn chặn dịch bệnh từ các nước vào Việt Nam là rất khó khăn. Bên cạnh đó, cùng với điều kiện khí hậu, việc chăn nuôi lợn ở nước ta còn nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư dẫn đến việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để căt đứt nguồn lây nhiễm rất khó khăn...Do vậy, trong thời gian tới, nguy cơ DTLCP lây lan rất cao, diễn biến phức tạp, bệnh có khả năng lây sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập tủng, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Đối với tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch bệnh DTLCP. Tuy nhiên, tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao các địa phương triển khai biện pháp chủ động phòng, ngăn chặn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó tập trung tăng cường công tác giám sát, kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm dịch, giết mổ động vật ; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói: Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhiều địa phương chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; các biện pháp phòng chống dịch còn chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm, chưa phù hợp. Việc hỗ trợ cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch. Theo Phó Thủ tướng, trước mắt, có một số nhiệm vụ trọng tâm: phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ NN&PTNT... Phó thủ tướng cũngđề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo chỉ thị gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng DTHCP. Tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển.