hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xoay xở với khô hạn - Bài 3: Khơi nguồn nước ở vùng cao (21/05/2019)
Nắng nóng kéo dài khiến nhiều sông suối khô hạn, để có nước sinh hoạt, người vùng cao đã cùng nhau vào tận rừng sâu để khơi thông nguồn nước, tìm cách chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt luôn là nỗi lo của đồng bào nhiều nơi ở miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt luôn là nỗi lo của đồng bào nhiều nơi ở miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trưa hừng hực nắng. Đứng trên con dốc ở đầu làng Aliêng - Ra Văh (xã A Ting, huyện Đông Giang), từng cơn gió phả vào mặt bỏng rát như thể đang áp mình sát vùng “chảo lửa” của vụ rẫy mới. Vài người phụ nữ, trên lưng gùi những can nhựa đựng đầy nước. Hành trình trở về nhà, với họ, luôn nặng nhọc từng bước đi giữa cái oi bức.

Tìm cách khơi dòng

Cần kiểm định chất lượng nguồn nước ở vùng cao

Tại buổi tiếp xúc cử tri với ĐBQH mới đây, ông Nguyễn Hữu Quyết (thôn 3, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) nêu lên thực trạng người dân địa phương lâu nay lo ngại nhiều hệ thống nước đã được Nhà nước đầu tư cho miền núi không đảm bảo an toàn về chất lượng, khiến ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi sau nhiều năm đầu tư, công tác quản lý hệ thống nước tự chảy vẫn chưa được xem trọng, nhiều nơi nước đầu nguồn chưa đảm bảo so với tiêu chuẩn sạch và an toàn. Do vậy, ông Quyết đề nghị cần có cuộc kiểm định toàn bộ hệ thống nước sinh hoạt tự chảy ở vùng cao, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân khi sử dụng.

Vừa trở về nhà sau chuyến lên rừng khơi thông lại nguồn nước, già làng Ríah Đơơr (ở thôn Cha’lăng, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang) vội vã đến bể nước của gia đình để kiểm tra dòng chảy. Dù đã được già Đơơr tìm cách khơi thông mạch nguồn, nhưng trận mưa lớn ngày hôm trước đã làm lá cây, cỏ rác lấp kín đường ống khiến nước chảy yếu, nhỏ giọt. Già Đơơr nói, so với một số hộ khác ở khu tái định cư Réh này, gia đình ông cũng thuộc dạng may mắn hơn rất nhiều. Bởi điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân không thể tự mua ống để kéo nước về nên được già Đơơr chia sẻ nước sinh hoạt. “Nhà mình, nhờ có bể nên trữ được nước sinh hoạt để dùng dần. Trên đầu nguồn, do nắng nóng kéo dài nên dòng nước cũng khô cạn. Khó khăn vô cùng” - già Đơơr nói như than vãn.

Cũng theo già Đơơr, trước đây người dân địa phương đều sử dụng chung nguồn nước từ hệ thống bể chứa được Nhà nước đầu tư tại khu tái định cư Zrượt. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng nước ở đầu nguồn cũng cạn kiệt dần, không đáp ứng đủ so với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, lâu nay hệ thống nước ở vùng cao đa số được thiết kế theo kiểu tự chảy nên sau các trận mưa lớn, nước đục và lá mục làm tắc đường ống thường xuyên. Vì thế, cứ sau mỗi lần mưa xuống, để có nước sử dụng, đồng bào thường vận động nhau cùng lên con suối đầu nguồn để tu sửa, nạo vét khơi dòng chảy về làng. “Thời điểm đầu hè, mưa dông xuất hiện khá thường xuyên, nước có phần đỡ nhỏ giọt, nhưng tình trạng tắc ống dẫn nước lại xảy ra nhiều hơn” - già Đơơr cho biết thêm.
Chật vật với hành trình khơi nguồn, nhưng dường như đó là cách duy nhất giúp đồng bào vùng cao có nước sinh hoạt trong suốt mùa khô hạn. Nắng cạn, mưa tắc - câu nói dí dỏm của nhiều người vùng cao cũng phần nào cho thấy khó khăn chung trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt, khi nhiều công trình hệ thống nước sạch, nước tự chảy không phát huy tác dụng, thậm chí không đem lại hiệu quả như mục tiêu ban đầu. Nhiều người cho rằng, bên cạnh tình trạng khô hạn do thời tiết nắng nóng kéo dài, việc trồng keo một cách ồ ạt ở các huyện miền núi trong những năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến cạn kiệt nguồn nước, nhất là thời điểm mùa khô hàng năm. Bởi, theo đánh giá, quá trình sinh trưởng của cây keo đòi hỏi hấp thụ rất nhiều nước; đồng thời chúng cũng không giữ được nước như một số loại cây lấy gỗ khác. Đây thực sự là vấn đề nan giải trong phát triển kinh tế  - xã hội ở vùng cao, bởi keo chính là cây chủ lực đang được nhiều địa phương lựa chọn, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ổn định nguồn nước dự trữ

Thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt

Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, tính đến cuối năm 2018, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt theo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tại địa phương xấp xỉ 1.664 hộ, chiếm tỷ lệ 38,39%. Năm 2016, Bắc Trà My có đến 1.785 hộ (tỷ lệ 35,37%) số hộ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt; năm 2017 con số này là 1.664 hộ/34,06%. Trong khi đó, tại Phước Sơn, mặc dù số hộ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt có hướng giảm theo từng năm, nhưng qua đánh giá hiện vẫn còn khá cao, với 423 hộ, chiếm tỷ lệ 20,89 %. Do đó, các địa phương miền núi kiến nghị, cùng với hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước cần có thêm chính sách ưu tiên, đặc thù trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó nguồn nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu cấp thiết của người dân miền núi.

Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm - ông Bríu Hồ cho hay, không chỉ Cha’lăng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra đối với nhiều khu tái định cư trên địa bàn xã. Trong đó, thôn H’juh là khó khăn nhất do chưa tìm được nguồn nước ổn định để đưa về phục vụ đời sống. Đây là khu tái định cư vừa hoàn thành trên diện tích đất đồi cao so với một số thôn khác. Để ứng phó với điều kiện thời tiết khô hạn, bên cạnh tìm cách khơi dòng chảy từ các nhánh khe, suối đầu nguồn, đồng bào còn trữ nước tại các can nhựa, bể chứa gia đình và sử dụng tiết kiệm, tránh tình trạng nước bị thất thoát như trước đây. Còn tại xã Ga Ry, theo Chủ tịch UBND xã Zơrâm Nhưng, thời điểm nắng nóng kéo dài nhiều ngày trước khiến một số hệ thống nước ở đầu nguồn bị cạn, dẫn đến tình trạng thiếu nước cục bộ. Tuy nhiên, gần đây, nhờ có mưa liên tục, nguồn nước đã ổn định trở lại và đang được đồng bào dự trữ tiết kiệm tại các bể chứa cộng đồng nhằm đảm bảo nước để sử dụng lâu dài trước thời tiết cực đoan.

Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong các mùa nắng nóng luôn là “bài ca muôn thuở” đối với đồng bào vùng cao. Bởi, bên cạnh nhiều hệ thống nước sinh hoạt không phát huy hiệu quả, còn là khó khăn chung về tình trạng mạch nước ở đầu nguồn đang dần cạn kiệt. Tại huyện Đông Giang, qua khảo sát, hiện vẫn còn nhiều địa phương có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, cần tiếp tục được đầu tư, nâng cấp theo lộ trình phát triển nhằm đáp ứng cuộc sống của người dân. Riêng tại một số xã như Sông Kôn, A Ting..., từ dự án của địa phương, nhiều hệ thống nước sạch cũng đã được triển khai đầu tư, đảm bảo phục vụ cho hàng nghìn hộ đồng bào ở các khu tái định cư. Đây cũng là nguồn nước dự trữ lớn của các xã được nâng cấp theo diện lồng ghép nguồn vốn đầu tư, nhằm đáp ứng với nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu trong thời điểm khô hạn hoành hành. “Trước nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tại một số khu vực dân cư, chúng tôi cũng đã có cuộc khảo sát và thống nhất chủ trương tìm nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt tại địa bàn xã Ba và thị trấn P’rao. Do nhu cầu bức thiết nên dự án này, tới đây sẽ được triển khai nhằm đảm bảo nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt cho đồng bào địa phương” - bà Tươi nói.

Tháng 5, đi qua các bản làng vùng cao, nơi nào cũng thấy tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ở nhiều khu tái định cư, khi hệ thống nước sinh hoạt chưa được đầu tư bài bản, nhiều hộ dân phải tự lên rừng tìm nguồn nước, rồi đặt ống su dẫn nước về sử dụng. Có khi, cả thôn phải dùng chung một bể nước. Như gia đình của chị Zơrâm T. (ở thôn 56, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang), khi nước trên đầu nguồn đã cạn kiệt, không còn cách nào khác, gia đình chị đành phải đầu tư hệ thống máy bơm, lấy nước trực tiếp từ dòng suối Ch’kiếp, dù biết trước những tiềm ẩn về an toàn chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  619 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 97 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com