Chúng tôi tìm đến nhà ông Tiện thông qua sự giới thiệu của Hội Người mù huyện Quế Sơn. Đầu hè, nắng nóng hầm hập, hỏi vài ba người dân quê ven đường, ai cũng xuýt xoa: “Mới thấy ổng vác cuốc đi thăm ruộng đó, chừ chắc về nhà rồi. Bị mù nhưng giỏi lắm, khỏe lắm, việc gì cũng làm được hết…”.
Căn nhà cấp 4 mới được tu sửa, có tường rào cổng ngõ và đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Dáng người thấp nhỏ, chắc nịch và đã bước qua tuổi 54 nhưng ông Tiện rất lanh lợi, hoạt bác. Ông kể, năm 17 tuổi đã phải gánh tai ương khi mất đi “cửa sổ tâm hồn” của mình. Lũ trẻ trong làng ngày ấy có 13 người cùng rủ nhau đi chăn bò thì đạp trúng phải bom, phát nổ. Hậu quả 6 người chết, 7 người may mắn bị thương, trong đó có ông. Đương tuổi “bẻ gãy sừng trâu” bỗng dưng trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội là một cú sốc lớn, nhưng rồi ông cũng gượng dậy và đi tìm “ánh sáng” theo cách riêng. Trước khi gặp tai nạn, chàng thanh niên Tiện có biệt tài là đan tranh rạ lợp nhà rất giỏi. Bước vào thế giới không màu, ông Tiện tiếp tục “víu” nghề. Cứ cặm cụi, mò mẫm, việc đi đan tranh thuê khắp các làng trên, xóm dưới cũng đủ làm ra cái ăn. “Người mù thì làm bất cứ việc gì cũng khó khăn, vì vậy mình phải biết kiên trì và không được nhụt chí. Thời gian đầu, hàng xóm giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc đi lại, riết rồi bản thân tôi cũng thạo đường và tự lập được cho dù không ít lần bị té xuống mương, tông vật cản” - ông tâm sự.
|
Ông cho biết, mỗi sào môn hương như thế này đem lại thu nhập gần 10 triệu đồng.Ảnh: V.H |
Cật lực làm lụng như những người bình thường, ngó lại đã gần nửa đời người, gia đình giục ông lấy vợ. “Ở vậy nuôi mẹ, ai thèm lấy người mù chứ!” - ông cứ đáp gọn lỏn như vậy mỗi khi mọi người gặng hỏi chuyện vợ con. Rồi cái gì đến cũng đến, cô Trần Thị Thiên ở xóm kế bên khâm phục nghị lực, tính chịu thương chịu khó của của chàng trai Tiện nên mến. “Nhiều lần bị gia đình cấm đoán và không chấp nhận cho tôi lấy một người khiếm thị như ổng. Thuyết phục mãi, gia đình tôi cũng phải gật đầu đồng ý và hai bên tiến tới hỏi cưới. Lúc đó, ổng tròn 30 tuổi” - vợ ông, bà Trần Thị Thiên kể.
Với người mù, họ thường lựa chọn những công việc đặc thù như làm chổi, bán tăm, bán vé số… để kiếm sống. Còn ông Tiện, một lão nông dân mù chân đất sau bao nhiêu năm gắn bó với ruộng đồng, nay đã có cuộc sống khấm khá rất nhiều so với những người khiếm thị khác. Mỗi sáng, ông dậy tầm lúc 4 giờ để ra đồng cắt cỏ mang về cho bò. Tất tật công việc đồng áng, ông đều quán xuyến. Gánh phân đổ ruộng, thu hoạch rơm lúa, gieo trồng nông sản… đều do ông đảm trách. Quen từng ngóc ngách đường đi, không chỉ nhận dạng được từng vị trí thửa ruộng, đám khoai nhà mình mà ông còn nói vanh vách từng vị trí thửa ruộng nhà người khác. Điều đặc biệt, dù bị mù nhưng không bao giờ ông dùng gậy để dò tìm đường đi, chỉ lấy tay quơ quơ phía trước và bước. “Đơn giản lắm, để biết từng vị trí, địa điểm, tôi đếm từng bước chân và nhớ” - ông cười xòa.
Hiện tại gia đình làm 5 sào lúa, 3 sào khoai môn hương, rồi còn trồng đậu phụng, khoai sắn, nuôi bò, nuôi heo…, mỗi năm thu vô tiền triệu. Minh chứng cho tài làm nông của mình, ông Tiện đội mũ, vác cuốc dẫn chúng tôi tới vạt môn đang thu hoạch dang dở. Trời nắng chang chang, mọi động tác đào bới, cuốc xén đều diễn ra nhanh lẹ một cách thuần thục. Ông Võ Điền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương An, nhận xét: “Ông Phạm Tiện là một nông dân bị mù nhưng lại làm nông “có tiếng” ở vùng này. Nhiều năm liền, ông được địa phương tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi”.