hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Vốn quý dân gian (23/06/2014)
Qua hàng loạt cuộc kiểm kê di tích văn hóa phi vật thể trên địa bàn Quảng Nam đã phác lộ những giá trị vượt thời gian của các loại hình văn nghệ dân gian ở miền núi cũng như miền xuôi...

 Tâm huyết

Thông tin nghệ thuật hát lý, nói lý của người Cơ Tu vừa được Bộ VH-TT&DL thẩm định và đệ trình công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khiến nghệ sĩ múa A Tùng Vẻ ở thôn Gừng, thị trấn P’rao (Đông Giang) khấp khởi mừng vui trong bụng. Bởi cụ là người có đến hai phần ba cuộc đời gắn bó giọng ca của mình với hàng chục làn điệu dân ca Cơ Tu cổ. Bây giờ ở mạn Tây Trường Sơn, A Tùng Vẻ là một kho tàng sống về các điệu nói lý, hát lý của đồng bào ở đây. Tiếng hát của cụ bây giờ không còn vang xa như dòng A Vương nhưng cũng đủ để đánh thức bao nhiêu cảm xúc của người nghe trong ánh lửa bập bùng đêm giữa đại ngàn hùng vĩ. A Tùng Vẻ đi hát từ khi còn nhỏ, bây giờ sắp bước qua “90 mùa rẫy” nhưng cái “máu” nghệ sĩ, niềm đam mê ấy, vẫn còn nguyên vẹn trong cụ. “Ở đâu có hội thì ở đó có mình” - A Tùng Vẻ nói. Mà cũng thật kỳ lạ, khi con người nhỏ thó ấy cất tiếng hát, nghe như ôm cả đại ngàn vào trong giọng mình. Nhất là lúc cụ ê a những làn điệu lý cổ, dù sẽ rất khó hiểu nếu không có người phiên dịch, nhưng chính cái giai điệu ấy, lại khiến khách có thể rớt nước mắt, vì cái âm điệu truyền đời của dân ca Cơ Tu được nghệ nhân già thể hiện bằng những rung cảm của mình. Công nhận hát lý, nói lý của đồng bào Cơ Tu cũng chính là công nhận vốn dân ca cổ, mà những người như A Tùng Vẻ là nhịp cầu bắc qua dòng sông thời gian, qua các thế hệ để tiếp nối truyền đời. Đa số những người biết hát lý nói lý đều đã ở vào độ tuổi gần đất xa trời. Một khi được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghệ thuật hát lý nói lý sẽ được bảo tồn tại và phát triển.  
 
Những cuộc liên hoan như thế này sẽ là “đất sống” rất tốt cho các loại hình văn nghệ dân gian.                                                                  Ảnh: L.Q
Những cuộc liên hoan như thế này sẽ là “đất sống” rất tốt cho các loại hình văn nghệ dân gian. Ảnh: L.Q
Nhiều người cho rằng, văn hóa dân gian đất Quảng là văn hóa mẹ, văn hóa gốc cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ ở mảnh đất này lấy đó làm chất liệu sáng tác nên những tác phẩm văn học - nghệ thuật của mình. Có một nghệ sĩ vùng cao mà mỗi khi nhắc đến anh, người ta lại nghĩ ngay đến núi rừng Quảng Nam hùng vĩ, đến những âm điệu truyền thống của đồng bào Co, Ca Dong, Xê Đăng... Đó là Dương Trinh. Anh vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, có giọng ca đặc trưng của người vùng núi, hội viên người dân tộc thiểu số duy nhất ở Quảng Nam được kết nạp vào Hội VH-NT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Dương Trinh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm từng câu hát, từng điệu nhạc cổ của đồng bào Co và các dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Nam với mong muốn giữ lại được vốn quý văn hóa của đồng bào mình. Cũng vậy, với tình yêu vùng cao Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Huy Hoàng ở vùng quê Bắc Bộ đã làm bao người cảm phục khi tổ chức ký âm, sáng tác lời mới cho dân ca Cơ Tu; dạy hát dân ca cho lớp trẻ, làm sống lại phong trào ca hát dân ca ở các bản làng vùng cao. Nhạc sĩ Hoàng Bích nghiên cứu âm hưởng dân ca Quảng Nam để có nhiều sáng tác dựa theo các làn điệu dân ca. Thêm một người có công rất lớn trong việc đưa bả trạo trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là nhạc sĩ Xa Văn Hùng. Ông bỏ công nghiên cứu về bả trạo và luôn tìm mọi cách để bả trạo có “đất sống”…
 
Những tín hiệu vui...
 
Kế hoạch bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (bao gồm các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng và Co) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 đã có những tín hiệu vui. Những cuộc kiểm kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể xuất phát từ chính kế hoạch này. Hiện nay, ngoài việc xuất bản một số tập sách chuyên về văn hóa dân gian, trong lịch hoạt động của nhà văn hóa tỉnh đến các trung tâm văn hóa huyện, thành phố có khá nhiều phong trào hát dân ca. Nhiều địa phương có những đội văn nghệ nổi tiếng về hát dân ca như Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Cũng tại Hội An, ngành văn hóa sớm nhận ra sức thu hút của dân ca, dân nhạc đối với khách du lịch nên đã hình thành và đưa vào hoạt động Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền. Thêm vào đó, Trung tâm VH-TT Hội An phối hợp với Phòng GD&ĐT mở nhiều lớp dạy hát dân ca cho các em học sinh bậc THCS. Ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, văn hóa phi vật thể ở Hội An có vai trò kết dính cộng đồng, mang tầm quốc gia, quốc tế, bao gồm giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật, phản ánh phẩm chất của con người Hội An và tạo nên sức quyến rũ với bè bạn năm châu.
 
“Quan trọng nhất vẫn là con người” - nhạc sĩ Hoàng Bích chia sẻ. Những “báu vật” nhân văn sống - là các nghệ nhân của những loại hình nghệ thuật truyền thống đang “rơi rụng” dần. Lớp kế thừa của những nghệ nhân hiện tại, nếu không phải vì quá yêu “tiếng nói” cha ông, thành lập những câu lạc bộ văn nghệ,  chắc sẽ chẳng còn mấy ai mặn mà với những loại hình diễn xướng kiểu như bả trạo, hò khoan, hát lý nói lý… Sự tương tác, quan tâm tạo nên những sân chơi lớn cho các câu lạc bộ (CLB) dân ca, kịch, tuồng… ở mỗi địa phương chính là điều cần làm của không chỉ ngành văn hóa. Hiện nay, phần lớn các xã đều có những CLB văn nghệ dân gian, hoặc tự phát hoặc được sự dẫn dắt của ban văn hóa xã. Địa điểm tập luyện, trang phục, kịch bản… họ đều phải tự thân vận động. Tất cả CLB đều tự “sống” bằng niềm tin yêu, say hát của mỗi thành viên. Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền, có lẽ nên xuất phát từ chính những điều tưởng nhỏ nhặt này…
 
Dù chỉ là những tiếng thì thầm, nhưng một khi đã tạo nên thanh âm, cứ tin là những gì thuộc về vốn quý truyền thống sẽ luôn được tiếp nối.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,886 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com