|
Một góc xã Bình Minh hôm nay. Ảnh: CÔNG HÙNG |
Cột mốc 2013
Năm 2013 tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã Bình Minh khá ấn tượng và lạc quan, trong đó nghề chủ đạo là khai thác hải sản đã có những đột phá mạnh mẽ. Đến cuối năm 2013 tổng số tàu thuyền trên toàn xã 200 chiếc (tổng công suất 19.500CV), trong số đó có 87 tàu công suất hơn 90CV với 26 chiếc đánh bắt xa bờ công suất từ 250 - 700CV. Sản lượng đánh bắt hải sản của xã từ 4.200 tấn năm 2012 lên 7.000 tấn trong năm 2013 (tăng 180%) và chiếm xấp xỉ 60% sản lượng khai thác thủy, hải sản của huyện Thăng Bình, giá trị thu về từ nguồn khai thác hải sản ước đạt 200 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất của xã năm 2013 ước đạt 207 tỷ đồng, bằng 103,9% kế hoạch và tăng 14% so với năm 2012. Trong đó, riêng giá trị thu được từ khai thác hải sản chiếm 70%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 17 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 là 14,86%. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn khó khăn, địa phương cũng vừa trải qua những tổn thất nặng nề do thiên tai gây ra trong cơn bão Chanchu 2006 và tiếp đến là cơn lũ Hồng triều năm 2007 làm chết và mất tích hàng trăm người, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và hàng trăm chiếc tàu thuyền công suất lớn, thì những con số nói trên cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của một địa phương thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi, đào tạo nghề cho lao động và giải quyết việc làm là những vấn đề được thể hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua tại các nghị quyết hằng năm của Đảng bộ, HĐND và phương hướng, nhiệm vụ của UBND xã Bình Minh. Chỉ riêng trong năm 2013, số tàu thuyền có công suất 90CV trở lên đã tăng 10% so với giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, trong đó có 2 tàu công suất trên 700CV hạ thủy năm 2013 và đầu năm 2014; số lao động được đào tạo trong năm qua cũng chiếm gần 30% số lao động được đào tạo từ ngày thành lập xã đến cuối năm 2010; tỷ lệ lao động được đào tạo và có việc làm sau đào tạo nghề đạt 80,4%. Đặc biệt, công tác xuất khẩu lao động rất được địa phương quan tâm, tính đến thời điểm 2013, hơn 100 lao động của địa phương được xuất khẩu qua thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó lao động của Hàn Quốc chiếm tỷ lệ đông nhất là 94%.
Hiện trên địa bàn xã có gần 30 cơ sở chế biến hải sản, may mặc thường xuyên có việc làm cho hàng trăm công nhân đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế tại địa phương, nhất là việc giải quyết lao động tại chỗ và tăng thu nhập cho các hộ. Những dịch vụ thương mại, du lịch được nhân dân khai thác, đầu tư. Bình Minh luôn được nhắc đến với một bãi tắm thoáng mát, còn mang vẻ đẹp hoang sơ cùng với sản phẩm cá, mực cơm tươi chất lượng mà nhiều nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh đã “mượn” thương hiệu để câu khách…
Hành trình 30 năm
Khi chia tách từ xã Bình Đào, Bình Minh có diện tích tự nhiên là 1.180ha, có 980 hộ và 4.840 nhân khẩu với 16 đảng viên, đa số là cán bộ nghỉ hưu tập kết về và cán bộ mất sức. Nhà cửa tạm bợ đến 90%, hầu hết là nhà sườn tre, lợp ngói. Giao thông chủ yếu là những con đường đất cát. Toàn xã chỉ có hơn 20 chiếc thuyền nan với loại máy Kubota hoặc Yanmar công suất 10CV, có nhiều thuyền không sắm nổi máy nên phải chạy bằng buồm. Tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm chưa đến 200 tấn, tỷ lệ hộ đói nghèo trên 75%, ngành khai thác hải sản là chủ lực của địa phương nhưng tàu thuyền chỉ quanh quẩn trong lộng, làm các nghề mành chốt, lưới quét, phương tiện khai thác ban đêm bằng đèn măng - xông; không có thương mại, dịch vụ, nghề chế biến cá mắm chủ yếu là sản phẩm thô bán cho các chợ và bà con vùng tây của huyện, đổi lấy lúa, khoai và các vật dụng khác… Thế mà 30 năm sau, sản lượng khai thác hải sản đã đạt hơn 7.000 tấn/năm (năm 2013), tức là gấp 35 lần so với năm 1984 với hàng trăm tàu thuyền lớn được đóng mới với công suất từ 90CV đến dưới 1.000CV, ngư trường khai thác là Hoàng Sa, Trường Sa với những trang bị máy móc hiện đại.
Bình Minh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bước chuyển mình mạnh mẽ nhất là giai đoạn từ năm 2009 – 2013. Sự bứt phá trong vòng 5 năm qua nhờ có những chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân và nghề khai thác hải sản xa bờ. Ngư dân đã làm chủ được tình thế và có sự hậu thuẫn của Nhà nước nên đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, cải hoán, đóng mới tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, bám biển. Nếu như trước năm 2006, số lao động của địa phương làm thuê cho chủ tàu các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi chiếm 75% thì từ năm 2009 đến nay chỉ còn không quá 10%. Số ngư dân làm chủ các phương tiện đánh bắt tiền tỷ chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20%, còn lại đa số đã có cổ phần trên các tàu công suất lớn, thu nhập hằng năm hàng trăm triệu đồng mỗi lao động.
Chặng đường phía trước còn rất dài và chắc chắn không ít khó khăn, thử thách. Trong giai đoạn từ 2015 - 2020, Bình Minh sẽ phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, với điều kiện và vị trí thuận lợi, trong quy hoạch tổng thể về chi tiết vùng thì xã Bình Minh là vùng trung tâm cánh đông của huyện nên quy hoạch thành thị tứ gắn với quy hoạch về phát triển du lịch biển, kết nối với các địa phương lân cận như Bình Dương (Thăng Bình), Duy Hải (Duy Xuyên) và Hội An khi đường dẫn và cầu Cửa Đại thông tuyến. Bình Minh được kỳ vọng sẽ là một vùng quê tiềm năng trong hành trình phát triển chung của vùng ven biển đất Quảng.