hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Bỏ uống rượu, học cái chữ (14/03/2014)
Mới nghe, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện về cánh mày râu; nhưng không, đó là chuyện chúng tôi ghi được ở những lớp xóa mù chữ do Hội LHPN huyện Phước Sơn tổ chức dành cho phụ nữ Bhnoong. Mỗi buổi tối, dưới mái gươl ở nhiều làng trên địa bàn huyện, những mái đầu tóc còn đen mượt hay đã pha màu sương cùng nhau học cái chữ.

 “Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Bhnoong, do hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người không biết chữ, nhất là phụ nữ. Xuất phát từ đó, chúng tôi đã phối hợp với Phòng GDĐT huyện mở những lớp xóa mù chữ, giúp chị em trên địa bàn biết cái chữ, nâng cao dân trí” - bà Phạm Thị Lượng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phước Sơn nói.

Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ, Phước Sơn. Ảnh: NG.DƯƠNG
Lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ, Phước Sơn. Ảnh: NG.DƯƠNG
 
Ra đời từ năm 2009, đến nay mô hình lớp học xóa mù trên địa bàn Phước Sơn đã được mở rộng và mang lại hiệu quả rất thiết thực trong việc nâng cao dân trí cho phụ nữ. Chương trình này được tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ chi phí như văn phòng phẩm, bàn ghế và các khoản phụ phí.
“Biết cái chữ hay thiệt!”
 
Hội LHPN huyện Phước Sơn có hơn 4.700 hội viên, trong đó có đến 3.200 hội viên người Bhnoong. “Phụ nữ Bhnoong có thói quen uống rượu. Đi rẫy về là uống rượu cho giải mỏi, ngủ ngon để ngày mai lại đi làm. Trước đây do hoàn cảnh khó khăn nên việc học chữ bị dở dang. Đây là trở ngại rất lớn khi chúng tôi muốn phổ biến những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ khi mô hình lớp học ra đời, vấn đề đã được giải quyết” - bà Lượng chia sẻ.
 
Chúng tôi đến thôn Xà Ê, xã Phước Mỹ và có cơ hội tham gia cùng lớp học. Hôm nay lớp học của Chi hội Phụ nữ thôn học ban ngày để bù cho buổi tối hôm trước nghỉ học vì làng có hội. Lớp học gồm hơn 20 phụ nữ, già có, trẻ có, cùng học cái chữ. “Trước đây, nhiều người ý thức tự giác chưa cao, đôi khi đến buổi học vẫn phải đến từng nhà để gọi mới chịu đi. Bây giờ khác rồi, hầu hết đều rất muốn biết cái chữ nên ham học lắm. Chương trình dành cho phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi, nhưng có những mẹ dù đã lớn tuổi vẫn theo học” - cô giáo Hồ Thị Hường cho biết.
Bà Hồ Thị Nhoãn (50 tuổi, bên trái) nắn nót từng con chữ.
Bà Hồ Thị Nhoãn (50 tuổi, bên trái) nắn nót từng con chữ.
 
Lớp học ở Xà Ê có hai cô giáo, cái bảng nhỏ cũng được chia thành 2 phần. Một bên dành cho những ai chưa biết chữ, nay mới bắt đầu làm quen với chữ cái, con số. Bên cạnh là bảng dành cho những người đã biết chữ nhưng chưa thông thạo, tiếp tục với những bài học mới để thuần thục hơn. Những bàn tay thô ráp đang cố gắng ghi những nét chữ cho thật thẳng, cái mím môi khi gặp phải chữ khó đọc hay một tay viết chữ một tay vòng ra sau dỗ đứa con đang ngủ trên lưng... Tất cả tạo nên một lớp học hết sức ấn tượng.
 
Bà Hồ Thị Nhoãn, 50 tuổi, thôn Xà Ê vừa nắn nót từng nét chữ bằng phấn trên bảng kẻ học sinh vừa cười bẽn lẽn, nói: “Từ trước tới nay không biết viết cái tên mình thế nào. Con đi học về đưa tên của nó cho mình đọc cũng không được. Buồn lắm. Giờ thì biết tên mình viết thế nào rồi. Biết cái chữ hay thiệt!”. Còn chị Hồ Thị Múi, 27 tuổi, cho hay: “Trước đây mình cũng đã được học cái chữ rồi, nhưng lâu quá, quên mất. Giờ có mấy cô dạy, đều là người thôn mình cả, không ngại đi học nữa. Học để biết chữ, biết tờ báo đang viết cái gì. Thích lắm!”.
 
Hiệu quả thiết thực
 
Kể từ khi ra đời, lớp học xóa mù chữ của Hội LHPN huyện Phước Sơn đã thực sự góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Qua 4 năm hoạt động, hội đã tổ chức được 20 lớp học ở các địa phương trên địa bàn với gần 1.000 hội viên tham gia. “Điều quan trọng không kém là nhờ những lớp học này mà phụ nữ Bhnoong bỏ dần thói quen uống rượu. Chiều trên rẫy về là các chị lo hoàn tất việc nhà để đến lớp học. Bây giờ các chị đã ham mê cái chữ hơn, lo nhớ cái chữ, ôn bài đã học nên không còn nghĩ đến chuyện uống rượu. Khi trình độ hội viên được nâng lên, mình muốn tuyên truyền vận động phong trào gì cũng dễ dàng hơn” - bà Phạm Thị Lượng nói.
 
Theo cô giáo Hồ Thị Hường, cũng là Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Mỹ, việc dạy chữ cho đồng bào đã khó, nhưng chuyện đừng để tái mù chữ càng khó hơn. “Đồng bào mình vốn đã quen với nếp sống cũ, giờ thay đổi phải bắt đầu từ từ. Trước đây, cứ đến buổi học mình phải đến từng nhà gọi thì họ mới đi, giờ thì đỡ rồi. Mình cứ dạy, rồi người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người biết nhiều bày cho người biết ít. Cứ thế, phong trào học chữ được mở rộng, không còn gói gọn trong phụ nữ nữa, cả đàn ông mình cũng khuyến khích đi học” - cô Hường nói.
 
Bên cạnh việc dạy chữ, lớp học còn là nơi để các cán bộ phụ nữ tuyên truyền chủ trương, chính sách, giới thiệu mô hình kinh tế phù hợp rồi vận động bà con áp dụng để cải thiện đời sống gia đình. “Những hủ tục như tảo hôn, bạo hành gia đình hay chương trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan cũng được cán bộ phụ nữ tổ chức lồng ghép trong quá trình giảng dạy. Từ đó, nhận thức của chị em phụ nữ dần thay đổi” - bà Phạm Thị Lượng cho hay.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,579 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com