Trong đó, ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình là 333 tỉ đồng, chiếm 3,5%; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án: 2.372 tỉ đồng, chiếm 24,7 %; vốn tín dụng 6.344 tỉ đồng, chiếm 66%; vốn doanh nghiệp, HTX: 206,25 tỉ đồng, chiếm 2,1%; vốn cộng đồng dân cư: 355,05 tỉ đồng, chiếm 3,7%. Từ các tỷ lệ như trên thì thực tế việc huy động nguồn lực trong triển khai Chương trình nông thôn mới không đúng như cơ cấu vốn theo tỉ lệ 4:3:2:1 được quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg thì cơ cấu vốn gồm: 40% từ ngân sách nhà nước, trong đó 17% trực tiếp từ Chương trình nông thôn mới, 23 % từ lồng ghép các Chương trình, dự án khác; 30% từ tín dụng; 20% từ doanh nghiệp, HTX và 10% từ cộng đồng dân cư).
Qua việc huy động vốn để thực hiện Chương trình, cho thấy rằng: các ngành, địa phương đã tập trung huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn tín dụng và lồng ghép các chương trình, dự án là chiếm đa số, còn nguồn ngân sách nhà nước các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình còn quá thấp, chỉ chiếm 3,5% (theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg là 17%). Qua 3 năm, bình quân mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 (50 xã điểm) được phân bổ gần 1 tỷ đồng/năm/xã (bao gồm cả vốn đầu tư và sự nghiệp), nguồn vốn quá thấp so với nhu cầu được phê duyệt tại Đề án xây dựng nông thôn mới (bình quân 150 tỷ đồng/Đề án/xã). Từ những thực trạng nêu trên nên dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn mới thực hiện được.
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình nông mới trong thời gian đến, nhất là trong việc huy động nguồn lực, trước hết cần ưu tiên triển khai công tác lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư; nguyên tắc, nội dung lồng ghép vốn thực hiện theo nội dung Công văn số 2366/UBND-KTTH ngày 01/7/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2013 - 2020.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất... để góp phần cùng với ngân sách nhà nước thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình; thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP; hướng dẫn nông dân vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo cơ chế tại Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013; thực hiện tốt các cơ chế tín dụng có liên quan.
Song song với đó cần huy động có hiệu quả nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất trên địa bàn để lại cho xã đầu tư thực hiện nông thôn mới theo quy định tại điểm b, Mục 2, Phần VI, Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước các cấp cho các nội dung Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo quy định của HĐND tỉnh Quảng Nam tại Nghị quyết số 96/2013/NQ-HĐND ngày 12/12/2013;
Đặc biệt cần cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo lộ trình đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện tốt các giải pháp về huy động nguồn lực nêu trên sẽ góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã đề ra là phấn đấu đến năm 2015 có trên 20% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới./.