Khu trung tâm hành chính huyện được xây dựng khang trang
Để xây dựng thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Ninh đã ban hành nhiều Nghị định, Kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn cụ thể. Đồng thời, huyện cũng đã phát huy tối đa vai trò của BCĐ, Tổ điều phối. Bên cạnh đó, UBND huyện đã xây dựng các Đề án trình HĐND huyện thông qua và đã ban hành Nghị quyết trên các lĩnh vực phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển cơ sở hạ tầng và văn hóa xã hội nhằm đề ra các mục tiêu, giải pháp thực hiện thúc đẩy xây dựng các tiêu chí NTM theo kế hoạch. Trong đó có 06 Nghị quyết trên lĩnh vực phát triển sản xuất và 04 Nghị quyết về phát triển hạ tầng kinh tế- văn hóa xã hội.
Diện mạo mới
Với những thành quả đạt được trong xây dựng xã điểm Tam Phước, năm 2010, huyện Phú Ninh được Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, Phú Ninh đã có một diện mạo mới.
Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Ninh đã chỉ đạo cho các xã lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Trong đó, chú trọng xây dựng giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình… Với những hướng đi đúng đắn đó, sau 3 năm thực hiện, huyện Phú Ninh đã có những bước tiến dài. Rõ rệt nhất là đời sống người dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/người/năm, so với năm 2010 là 11,38 triệu đồng/người/năm. Đường làng, ngõ xóm được xây dựng khang trang; các thiết chế, nhà văn hóa trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân địa phương; đời sống tinh thần được chú trọng. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp- thương mại, dịch vụ chiếm 74,18%; nông nghiệp chiếm 25,82%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng 41%.
Ông Đặng Bá Dự- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện luôn chú trọng công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu. Bởi đây là tiền đề để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Trong 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện đã tiến hành đồn điền đổi thửa 2.330,85ha; tổng số diện tích đã đo đạc sau dồn điền đổi thửa là 720ha, nâng tổng diện tích đo đạc lên 1.220ha. Riêng trong năm 2013, huyện đã tổ chức triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa ở 5 xã, gồm 21 thôn, với diện tích 390,85ha. Trong đó được chỉnh lý biến động, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 366ha. Cùng với đó, huyện đã hoàn thành trên 200km trục chính giao thông nội động và 120km kênh mương tưới tiêu. Đảm bảo nước tưới tiêu cho nền nông nghiệp của huyện.
Nhờ việc thực hiện hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ canh tác thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập cho người nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu cho thu nhập cao và đang được nhân rộng, như mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau sạch Tam An, mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi heo hướng nạc tại Tam Dân, Tam Vinh, mô hình nuôi gà đẻ trứng của hộ Nguyễn Văn Học, xã Tam An đã tạo được thương hiệu uy tín trên địa bàn tỉnh với doanh thu hơn 8 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Ông Bùi Văn Toàn- Chủ tịch UBND xã Tam An chia sẻ: “Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tập thể chính quyền và nhân dân xã không khỏi bỡ ngỡ, tuy nhiên với sự chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời từ huyện, xã đã có những hướng đi phù hợp với đặc thù địa phương. Sau 3 năm thực hiện, xã Tam An đã đạt 15/19 tiêu chí. Đã tiến hành dồn điền đổi thửa 350 hecta, trong đó có 13 hecta rau chuyên canh, rau sạch, thu lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 300 triệu đồng. Trên địa bàn xã cũng đã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao được nhân rộng”.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, dịch vụ bước đầu khởi sắc. Du khách gần xa đã biết đến Khu du lịch Hồ Phú Ninh, với các dịch vụ như tắm suối nước nóng, bơi thuyền câu cá trên hồ, khám phá Đảo khỉ…
Có thể nói, 3 năm là thời gian không phải dài cho việc xây dựng một nền tảng vững chắc để tiến tới làm thảy đổi bộ mặt kinh tế-văn hóa xã hội của một địa phương, nhưng với những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân dân, huyện Phú Ninh đã trở thành một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
Trong hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đánh giá cao sự nhạy bén, nỗ lực của huyện, kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo được lòng tin ở nhân dân. Xứng đáng là đơn vị điểm, là điển hình để các địa phương khác học hỏi. Đồng thời, đồng chí cũng tin tưởng, Phú Ninh sẽ sớm cán đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.