Chuyển dịch cơ cấu lao động
Quanh năm bám vườn, bám ruộng nhưng cuộc sống vẫn rất bấp bênh, cách đây 4 năm chị Nguyễn Thị Xuân Hà (thôn Ngân Câu, xã Điện Ngọc) nộp đơn xin vào làm việc tại Công ty Giày Rieker thuộc Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Chị Hà chia sẻ: “Làm công nhân ở đây tuy không giàu có nhưng thu nhập ổn định. Mặt khác, công ty thực hiện đầy đủ chế độ đối với người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nên tôi rất yên tâm. Hiện nay, mức lương hằng tháng của tôi dao động từ 3,5 - 4 triệu đồng, so với làm nông thì sướng hơn nhiều”.
|
Hơn 2 nghìn lao động nông thôn của xã đã trở thành công nhân. |
Không riêng chị Hà, hàng nghìn người dân của xã Điện Ngọc cũng tìm được công việc thường xuyên nhờ vào sự mở mang công nghiệp. Bà Nguyễn Thị Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Điện Ngọc là địa phương nằm ở phía đông bắc huyện Điện Bàn, tiếp giáp với TP.Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An, lại có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đóng chân trên địa bàn. Đây là những tiền đề để Điện Ngọc phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, từng bước nâng cao đời sống người dân. Theo bà Sáu, hiện toàn xã có 13 thôn, 4.391 hộ với gần 21.000 nhân khẩu. Trong số này, có hơn 2.000 người đang làm việc ổn định trong các nhà máy, xí nghiệp ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với mức thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Điều này cũng đã tạo đà cho ngành thương mại - dịch vụ có bước phát triển mạnh, quy mô, chất lượng và giá trị ngày càng tăng. Đến nay toàn xã có hơn 1.500 cơ sở kinh doanh đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.
|
Nhiều mô hình chuyên canh cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.SỰ |
Bà Sáu cho biết thêm, trong năm 2013 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song cơ cấu nền kinh tế của xã vẫn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Bà Sáu nói: “Năm qua, tổng giá trị sản xuất trên tất cả lĩnh vực của Điện Ngọc đạt 390 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2012. Trong đó, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 74,2%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 20,7%, nông nghiệp 5,1%”. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn xã cũng chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - dịch vụ với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 69%, còn lao động nông nghiệp là 31%, giảm đến 60% so với thời điểm năm 2003 trở về trước…
Phát triển nông nghiệp bền vững
Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của Điện Ngọc còn 5,1%, giảm 6,3% so với năm 2008. Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia, thu nhập bình quân đạt 18,4 triệu đồng/người/năm, tăng 29,4% so với năm 2005. Thời gian qua, địa phương thường xuyên chăm lo đời sống của những gia đình chính sách và hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới 76 nhà tình nghĩa với tổng giá trị hơn 2,2 tỷ đồng.
Về định hướng phát triển kinh tế đến năm 2020, Điện Ngọc phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 22 - 25%, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 75%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 20%, nông nghiệp 5%. Bình quân thu nhập đạt 30 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo. |
Vụ đông xuân này, bà Nguyễn Thị Bê (thôn Tứ Câu, xã Điện Ngọc) canh tác 7 sào lúa trên cánh đồng Vườn Siêu, Vườn Toán. Dù thời gian qua sâu bệnh bùng phát mạnh, tình trạng nhiễm mặn và nắng nóng ngày càng khốc liệt nhưng nhờ ngành chuyên môn hướng dẫn bài bản quy trình kỹ thuật, kịp thời đưa ra nhiều giải pháp chống hạn tối ưu nên cây lúa phát triển tốt. Bà Bê hồ hởi: “Vài ngày nữa thu hoạch, chắc chắn năng suất mỗi sào sẽ đạt 320kg lúa khô, tăng 40kg so với đông xuân năm ngoái”. Theo ông Đặng Công Bốn - Phó ban Nông nghiệp xã Điện Ngọc, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cả năm của địa phương là 721ha, trong đó có 535ha đất lúa, tập trung nhiều nhất ở thôn Tứ Câu, Viêm Minh, Viêm Đông, Hà Dừa, Tứ Ngân… Nhờ đưa các giống lúa mới có chất lượng cao vào gieo sạ đại trà, duy trì 3 đội dịch vụ bảo vệ thực vật đồng ruộng, quản lý và khai thác hiệu quả những công trình thủy lợi trọng yếu cũng như thường xuyên chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nhà nông nên 3 năm gần đây năng suất lúa bình quân ở Điện Ngọc đạt hơn 60 tạ/ha, tăng 4 tạ/ha so với năm 2009.
Là xã nằm trong vùng trọng điểm công nghiệp và xây dựng các khu đô thị nên thời gian qua Điện Ngọc chú trọng phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung để tăng nhanh hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mấy năm gần đây các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân địa phương này đẩy mạnh liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất 20ha lúa giống HP19, HP20. Nhờ năng suất cao, đầu ra sản phẩm ổn định nên mỗi vụ người dân thu về mức lãi ròng hơn 40 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, thời gian qua Điện Ngọc cũng đã hình thành rất nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là trang trại nuôi gà CP của bà Phan Thị Hải ở thôn Hà Dừa. Bà Hải cho biết, mỗi năm bà nuôi 5 lứa gà, mỗi lứa với số lượng 30 - 40 nghìn con, sau khi trừ chi phí mua thức ăn, con giống, bà lãi khoảng 150 triệu đồng/lứa. Theo thống kê, tính đến thời điểm này tổng đàn vật nuôi của Điện Ngọc là gần 135 nghìn con, trong đó gia cầm chiếm hơn 90%; hình thành 5 trang trại và 58 gia trại chăn nuôi với quy mô vừa và lớn… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.