Nhà văn hóa xã Tam Phước
Vậy do đâu mà tỷ lệ đạt chuẩn tiêu chí này còn thấp; theo phản ảnh của các địa phương thì trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa là khó thực hiện nhất. Vì sao?
Theo quy định tại tiêu chí này thì nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn phải đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch. Cụ thể là đối với cấp xã thực hiện theo Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2010 và cấp thôn thực hiện theo Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8-3-2011 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Nhà văn hóa-Khu thể thao xã và thôn.
Đối chiếu với thực tế của tỉnh, khả năng một số xã có thể đạt nhưng đa số thì khó thực hiện. Bởi lẽ, theo quy chuẩn của Bộ VHTTDL thì đất quy hoạch khu Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã phải có diện tích tối thiểu từ 1.500m2-2.500m2 (tùy đồng bằng hay miền núi), trong đó có hội trường đa năng tối thiểu từ 200-250 chỗ ngồi, có 5 phòng chức năng; cấp thôn diện tích khu nhà văn hóa từ 300 m2-500m2 (tùy đồng bằng hay miền núi), diện tích khu thể thao từ 1.500 m2- 2.000m2 trở lên, hội trường phải đạt từ 80-100 chỗ ngồi... Chính quy định mang tính bắt buộc này đã “gây khó” cho không ít địa phương nhất là kinh phí đầu tư để xây dựng đúng chuẩn từ hội trường văn hóa đa năng đến khu vực dành cho các hoạt động thể dục thể thao; theo tính toán sơ bộ thì kinh phí đầu tư đầy đủ cho các thiết chế văn hóa theo quy định nêu trên để bảo đảm hoạt động từ cấp xã đến cấp thôn thì ước tính tổng kinh phí gần chục tỷ đồng/xã. Thực tế còn đặt ra vấn đề, đó là liệu khi xây dựng rồi nhân dân có đến để sinh hoạt, vui chơi như mong muốn, có phát huy hết công năng như quy mô đã xây dựng hay xây ra đóng cửa để đó?. Đây cũng là điều nhiều địa phương phản ảnh tại các cuộc họp hay giao ban.
Mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ta là tỉnh còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều dân tộc sinh sống, do vậy, cùng với việc ưu tiên thực hiện các tiêu chí về sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế thì các tiêu chí về văn hóa xã hội cũng cần phải được đầu tư cho phù hợp với thực tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với nguồn lực đầu tư trực tiếp cho Chương trình nông thôn mới còn hạn chế như hiện nay, thì việc “gỡ khó” cho tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa như thế nào vừa có nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất…. để nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân?
Để thực hiện tốt vấn đề này, vừa góp phần thực hiện đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, theo tôi trước mắt cần tận dụng cơ sở vật chất hiện có để mở rộng, nâng cấp để đảm bảo hoạt động, sinh hoạt thể thao, như các xã đã có Hội trường UBND xã thì chỉ cần nâng cấp thành nhà văn hóa đa năng, các thôn đã có nhà sinh hoạt cộng đồng thì nâng cấp để đảm bảo hoạt động, các khu thể thao thì mở rộng mặt bằng để tạo thành sân vui chơi, tập luyện thể thao; về các phòng chức năng chỉ cần 3 phòng là đủ; đối với các xã miền núi thì sử dụng nhà sàn, nhà gươl truyền thống làm nơi sinh hoạt văn hóa, ngoài ra chỉ đầu bổ sung các thiết chế văn hóa cần thiết cho hoạt động,…theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 147/TB-UBND ngày 26/4/2014 và Công văn số 4128/BVHTTDL-VHCS ngày 20/11/2012 của Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch (các công trình văn hóa, thể dục thể thao xã, thôn không nhất thiết phải xây dựng tập trung tại một địa điểm mà có thể xây dựng tại nhiều địa điểm). Về lâu dài, các xã cần quy hoạch và cắm mốc một điểm để xây dựng Trung tâm văn hóa-thể thao xã, khi đời sống nhân dân được nâng lên, có đủ điều kiện về nguồn lực thì xây dựng theo đúng quy hoạch. Trong quá trình đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất văn hóa cần gắn với xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp, nhân dân đóng góp... Vấn đề quan trọng nữa là cần sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có để tránh lãng phí nhưng đồng thời phải có lộ trình cụ thể để thực hiện đầy đủ tiêu chí về văn hóa-thể dục-thể thao theo quy định.
Hướng mở đã có, vấn đề còn lại là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong việc vận dụng sáng tạo các văn bản đã hướng dẫn, đồng thời sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa hiện có phục vụ nhu cầu vui chơi, sinh hoạt của nhân dân, không thụ động trông chờ sự đầu tư cơ sở hạ tầng ở cấp trên. Có như vậy thì việc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương mới thành công như mong đợi.