
Từ thời xa xưa người dân miền núi Phước Sơn thường hay vào rừng bẫy thú về cúng tế thần linh trong những dịp mừng lúa mới hoặc các lễ hội được tổ chức hàng năm. Sau khi sử dụng cho lễ hội xong, phần thịt còn lại họ treo lên bếp lửa để bảo quản được lâu. Cũng với cách làm đó nhưng sau này họ thường tẩm ướp thêm các loại gia vị được hái từ rừng để món ăn ngon và đậm đà hơn.
Từ món ăn truyền thống, hộ kinh doanh Đỗ Ngọc Ánh Tuyết ở tổ dân phố số 1, thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn đã chế biến thành công món thịt heo đen sấy khô giúp người dân không cần vào rừng săn bắt mà vẫn có món ngon để phục vụ lễ hội.
Chị Đỗ Ngọc Ánh Tuyết cho biết: Heo đen hay còn gọi là heo cỏ, là giống bản địa, có thể nuôi nhốt chuồng hoặc thả rông vì nó có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng cao. Thức ăn chủ yếu là rau, cỏ rừng, chuối hoặc bắp, cám nấu chín. Nhờ không sử dụng thức ăn công nghiệp và thuốc tăng trọng nên thịt săn chắc, thơm ngon, không bị ngấy như các loại heo khác. Heo đen nuôi kéo dài từ 12-24 tháng mới làm thịt, chọn phần đùi và thăn cắt miếng dày 1,5cm, bằng những con dao chuyên dụng để cắt. Sau đó ướp gia vị, tiêu rừng, lá thơm hái trên rừng, mật ong, gừng, sả, ớt, muối, nước mắm và không quên cho thêm vài củ hành tím giã nhuyễn vào ướp. Ướp xong để 1 tiếng đồng hồ, vớt ra treo trên bếp than hồng 20 tiếng, đến khi thịt chín tỏa mùi thơm thì tắt bếp để nguội, đóng gói.
Món thịt heo đen sấy khô cho ta cảm giác rất lạ với vị ngọt ngậy của thịt, mùi thơm của than hồng, vị cay nồng của các loại gia vị và vị đăng đắng mang hương vị thuốc Bắc của các loại lá cây rừng. Sản phẩm thịt heo đen sấy khô không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng, tạo nên ấn tượng khó phai.