Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Năm 2024, toàn tỉnh đặt ra mục tiêu giảm 2.900 hộ nghèo. Trong đó khu vực đồng bằng giảm 137 hộ và khu vực miền núi giảm 2.763 hộ. Riêng 6 huyện nghèo gồm Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang mục tiêu phải giảm 2.603 hộ nghèo. Như vậy, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 6%.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 07 dự án thành phần của Chương trình năm 2024 là 764,5 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí thực hiện chương trình từ năm 2023 về trước được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển sang năm 2024 thực hiện). Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 664,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng là hơn 99.7 tỷ đồng (bằng 15% so với ngân sách trung ương hỗ trợ).
Để thực hiện đạt chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình năm 2024; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao trong năm 2024 đảm bảo đúng quy định và đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công. Trong phân bổ ngân sách địa phương, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc Chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
Xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và bám sát tiến độ, lộ trình giải ngân nguồn vốn đối với từng Dự án, Tiểu dự án thuộc Chương trình để tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện một cách quyết liệt nhằm thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn; bảo đảm hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải ngân 100% nguồn vốn được giao, không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Đối với UBND cấp huyện phải khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp để tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị sử dụng vốn được UBND cấp huyện phân bổ lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, tiểu dự án trong Chương trình và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; đảm bảo các dự án của Chương trình đều được bố trí đủ vốn theo cam kết và không để phát sinh nợ khi kết thúc Chương trình. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thực chất, khách quan, công bằng và theo đúng quy định. Bảo đảm kết quả giảm nghèo hằng năm phải phản ánh được mức độ cải thiện các chiều thiếu hụt, tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống của người dân và đảm bảo đạt mục tiêu kế hoạch giao.
Tăng cường công tác chỉ đạo trong việc đổi mới phương thức, cách thức, hoạt động đào tạo nghề; phát triển, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, sinh kế gắn với kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Riêng đối với các huyện nghèo, ngoài việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần đặc biệt quan tâm đánh giá mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm; riêng đối với huyện Phước Sơn và huyện Bắc Trà My cần phấn đấu đến năm 2025 thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020 để hoàn thành mục tiêu huyện thoát nghèo vào cuối năm 2025.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị căn cứ mục tiêu, tính chất, các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, trong đó ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2022, năm 2023 kéo dài sang năm 2024 tiếp tục thực hiện, phấn đấu cuối tháng 8/2024 giải ngân hết vốn kéo dài của năm 2022 và năm 2023, cuối tháng 12/2024 giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024.
Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình. Tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 từ nguồn kinh phí được UBND tỉnh phân bổ hằng năm, đảm bảo đúng nội dung, mục tiêu, đối tượng theo quy định.
UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực hưởng ứng, phát động các phong trào thi đua giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo và địa phương nghèo; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp, huy động nguồn lực và giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nhất là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, ưu tiên, tập trung nguồn lực huy động để thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh.