hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030 (02/03/2023)
Sáng ngày 02/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Ông Nguyễn Xuân Vũ- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo tổng hợp số liệu báo cáo từ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, tổng đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 141.000 con, với gần 90.000 hộ nuôi chó. Mặc dù không phải là vật nuôi để phát triển kinh tế, như­ng ng­ười dân có tập quán chăn nuôi chó từ lâu đời và hiện nay vẫn còn duy trì khá phổ biến, bình quân mỗi hộ nuôi từ 1-2 con. Việc quản lý đàn chó, mèo hiện nay rất khó khăn. Hầu hết chó nuôi theo phương thức thả rông; đặc biệt ở các huyện miền núi, chó được nuôi nhiều dùng để săn bắt, không được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại nên tình trạng chó cắn người khá phổ biến, gây nỗi lo sợ cho nhân dân và tốn phí điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. 

Trong giai đoạn năm 2017-2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 ổ dịch Dại ở 12 xã thuộc 5 huyện, với tổng số gia súc mắc bệnh là 37 con. Năm 2022, xảy ra 04 ổ dịch Dại động vật ở 4 xã, với tổng số động vật mắc bệnh 11 con. Riêng từ cuối tháng 01/2023 đến ngày 14/02/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 ổ dịch Dại tại xã Đại Hòa và xã Đại Thắng huyện Đại Lộc, 02 con chó lên cơn Dại cắn người đã bị người dân đập chết. Như vậy, bệnh Dại động vật trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp trong những năm qua, ở tất cả các tháng trong năm và có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù ngành Thú y đã có nhiều cố gắng, hàng năm phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng, song do chó nuôi thả rông, người dân không hưởng ứng, nên tỷ lệ tiêm phòng bệnh Dại tính trên tổng đàn vẫn còn rất thấp, nhất là ở các huyện miền núi. Trong năm 2022, tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng vắc xin Dại trên địa bàn tỉnh đạt gần 19,5%. Trong đó, chỉ có 3 huyện, thành phố (Tam Kỳ, Hội An, Đại Lộc) đạt tỷ lệ tiêm phòng 70% tổng đàn.

Tại hội nghị, đại diện các cơ quan chức năng đã cùng thảo luận, chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh Dại tiềm ẩn, lan truyền dai dẳng trong cộng đồng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do: Chó mắc bệnh Dại chủ yếu là chó không xác định được chủ, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Dại; công tác quản lý đàn chó của một số địa phương còn lòng lẻo; việc thành lập đội chuyên trách bắt chó thả rông còn nhiều bất cập, vì vậy hầu hết các địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông; Người nuôi chó không chấp hành quy định về đăng ký, nuôi nhốt chó; tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm cho chó khi ra đường còn phổ biến dẫn đến chó cắn trọng thương, chết nhiều người, gây bức xúc trong xã hội; Vi rút Dại còn lưu hành trên động vật; chính quyền địa phương chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vắc xin Dại cho chó theo quy định; công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh Dại còn hạn chế, chưa đầy đủ và không thường xuyên; việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh Dại còn ít, chưa đảm bảo duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Dại; có địa phương không bố trí kinh phí phòng, chống bệnh Dại; hệ thống nhân viên Thú y xã, phường, thị trấn mặc dù đã được củng cố nhưng còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn…; công tác phối hợp liên ngành, nhất là ngành Thú y, ngành Y tế ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.

Tình trạng nuôi chó, mèo thả rông trong khu dân cư vẫn còn phổ biến.

Bàn về giải pháp khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác phòng, chống bệnh Dại, tiến tới kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi; phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và cộng đồng, ông Nguyễn Xuân Vũ- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam đề nghị các ngành chức năng, địa phương khẩn trương kiểm soát các ổ dịch bệnh Dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, trong thời gian đến cần tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Luật Thú y. Thống kê và báo cáo chính xác, bảo đảm quản lý được ít nhất 50% số hộ nuôi chó, mèo giai đoạn 2022-2025 và 70% số hộ nuôi chó, mèo giai đoạn 2026-2030;

Đồng thời, hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; thống kê số liệu nuôi chó, mèo hằng quý theo quy định của Luật Chăn nuôi về kê khai chăn nuôi. Có biện pháp đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin Dại. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh Dại;

Tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022-2025 và 80% trong giai đoạn 2026-2030. (Tỷ lệ tiêm phòng được tính theo số lượng tổng đàn chó, mèo thực tế thuộc diện tiêm phòng của địa phương tại thời điểm tiêm phòng theo kế hoạch). Thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo thuộc diện tiêm phòng;

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại cắn đến cơ sở Y tế điều trị dự phòng, cơ sở Y tế chủ động báo hằng ngày về cơ quan quan quản lý chuyên ngành Y tế cấp huyện phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Đối với các địa phương thuộc thành phố, thị xã, có khu du lịch, cần sớm bố trí nguồn lực để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại trên động vật (trước mắt là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại cấp xã).

Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại. Kiểm tra xử phạt đối với chủ nuôi chó, mèo vi phạm các quy định về phòng, chống bệnh Dại và để chó, mèo cắn người; giám sát, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện công tác quản lý đàn chó, mèo, tổ chức tiêm phòng, kết quả tiêm phòng, xử phạt vi phạm hành chính...

Thúy Hằng

Lượt xem:  216 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 181 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70 110 140 180
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com