Theo báo cáo tại cuộc họp, năm 2022, huyện Thăng Bình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH trong điều kiện có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của quân, dân toàn huyện đã đạt những kết quả tích cực.
Trong lĩnh vực LĐ,TB&XH, công tác chăm lo, phục vụ Nhân dân luôn được chính quyền huyện quan tâm, đặt lên hàng đầu. Tính đến nay, tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm đạt 2.658 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70%; giải quyết 874 hồ sơ liên quan đến chính sách người có công; Qũy đền ơn đáp nghĩa vận động 547 triệu đồng để chăm lo đời sống cho đối tượng người có công với cách mạng; hỗ trợ 2.164 hộ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 55,7 tỷ đồng…Cũng trong năm 2022, toàn huyện giảm được 105 hộ nghèo, đạt 140% chỉ tiêu đề ra.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tổ chức thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 đạt cao. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chũa bệnh cho nhân dân có bước chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện không có vụ ngộ độc thực phẩm.
Công tác dạy và học được chú trọng, đẩy mạnh chất lượng giáo dục toàn diện, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục. CSVC, trang thiết bị cũng như đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học; mạng lưới trường công lập được sắp xếp hợp lý theo quy hoạch xây dựng NTM, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo cảnh quan môi trường sư phạm.
Đối với công tác thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến nay toàn huyện có 17/20 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 85%; 21 thông Khu dân cư đạt chuẩn KDCNTMKM. Năm 2023, huyện Thăng Bình có 03 xã đang xây dựng NTM là xã Bình Nam, Bình Lãnh và Bình Quế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, huyện Thăng Bình cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trong đó, tình trạng thiếu giáo viên tiểu học và mầm non; CSVC trường học còn thiếu theo quy định tại Thông tư 13; quỹ đất dành cho giáo dục ở một số đơn vị chưa đảm bảo; trang thiết bị, vật tư y tế còn thiếu và không kịp thời để đảm bảo khám và điều trị bệnh. Đặc biệt là tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, biên chế bác sỹ công tác tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế chưa đảm bảo; thiếu nguồn nhân lực chuyên khoa sâu, chuyên môn sau đại học…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình trong thực hiện các nhiệm vụ về phát triển KT-XH. Đồng chí Trần Anh Tuấn đề nghị huyện cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể để từng bước giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong thời gian qua; chủ động làm việc với các Sở, ngành để giải quyết những khó khăn nêu trên, trong trường hợp chưa có sự thống nhất, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết. Đồng thời, đồng chí Trần Anh Tuấn cũng đề nghị huyện tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là rà soát, quyết toán các nhóm công trình, nhất là các công trinh có vốn Trung ương có nguy cơ thu hồi vốn; đẩy nhanh tiến độ giải ngân; nghiên cứu mở sàn giao dịch việc làm tại huyện, có kế hoạch cụ thể về công tác phân luồng học sinh, qua đó góp phần giải quyết bài toán về đào tạo lao động, việc làm…