Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: T.N
Bộ trưởng cho rằng, từ hội nghị hôm nay, cần nhìn lại cách tiếp cận NTM, cần có những cách thức tiếp cận mới hơn. Nếu làm được thì dư địa, tiềm năng của chúng ta trong phát triển NTM sẽ là rất lớn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mọi sự đổi mới bắt đầu từ sự năng động của các địa phương. Cần lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" ở các địa phương trên khắp 63 tỉnh thành. Đặc biệt, “muốn địa phương năng động thì thủ lĩnh phải năng động” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần kết nối với nhau để giao lưu, tương tác cũng như cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cách làm hay.
Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022), có 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Mỗi địa phương nên có những cách thức riêng để kể câu chuyện của mình, thể hiện sự khác biệt, độc đáo ngay trong khẩu hiệu, thông điệp. Qua thực tế, Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của một số địa phương như mô hình Làng hạnh phúc, mô hình Làng thông minh...
Cũng theo Bộ trưởng, NTM chính là sức sống mới, mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Xây dựng NTM là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Phải làm sao để người dân luôn trong tâm thế làm chủ thì họ mới trân quý những giá trị của nơi họ sống và ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng, gìn giữ, bảo vệ.
Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cũng cần có không gian sáng tạo để phát triển các sản phẩm mới. Có thể nhiều địa phương có cùng 1 sản phẩm (mật ong, trà hoa vàng…) nhưng mỗi nơi có một câu chuyện khác nhau.
Mặt khác, Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa.
Đến hết năm 2022, cả nước có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Trong tổng số 4.586 chủ thể OCOP, có 38,1% là hợp tác xã, 25,6% là doanh nghiệp, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022).
"Đừng tạo xung đột giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp… tất cả đều cần hòa hợp. Bởi lẽ, tất cả chúng sẽ đều góp phần phát triển quốc gia ngày càng thịnh vượng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.