Năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ 11 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh cho các địa phương để triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh. Trong năm, có 111 sản phẩm chính thức tham gia Chương trình OCOP. Qua quá trình đánh giá, chấm chọn, đã có 73 sản phẩm của 69 chủ thể được UBND tỉnh công nhận 3-4 sao. Trong đó, có 16 sản phẩm 4 sao và 57 sản phẩm 3 sao.
Như vậy, qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018-2022), toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao.
Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao trong 5 năm qua gồm: Tiên Phước 36 sản phẩm, Tam Kỳ 28 sản phẩm, Thăng Bình 26 sản phẩm, Điện Bàn 25 sản phẩm và Núi Thành 21 sản phẩm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Tấn cho biết: Nhìn chung, các địa phương tích cực vào cuộc mạnh mẽ, triển khai Chương trình OCOP. Nhiều chủ thể đã dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP, xây dựng hồ sơ tự công bố, xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng, tem điện tử truy xuất nguồn gốc; bao bì sản phẩm được nâng cấp, cải tiến theo hướng đúng quy định, đẹp hơn. Đặc biệt, một số chủ thể do đoàn viên thanh niên trẻ điều hành, hoạt động năng nổ, nhạy bén với cơ chế thị trường, thích ứng nhanh với đại dịch Covid-19.
Ông Ngô Tấn cũng thông tin thêm một số quy định mới về Chương trình OCOP trong giai đoạn mới. Trong đó, sản phẩm OCOP 3 sao do cấp huyện quản lý, công nhận, sản phẩm OCOP 4 sao co UBND tỉnh công nhận và sản phẩm OCOP 5 sao do Trung ương đánh giá, công nhận.
Dịp này, thừa ủy quyền của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 59 sản phẩm (đợt II).