Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, đến nay, cơ bản các nhiệm vụ phân công theo Chương tình công tác năm 2022 đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hoàn thành; đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách đang có hiệu lực. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 269,834 tỷ đồng để thực hiện các cơ chế chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh. Nhiều chính sách đầu tư đã phát huy hiệu quả như: Kiên cố hóa hệ thống đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn (GTNT), phát triển hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu, hỗ trợ thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam, phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu tiệu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ sắp xếp dân cư miền núi, hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú bão, lũ, lụt.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn sự nghiệp cũng đã được bố trí 92,121 tỷ đồng thực hiện trong năm 2022, đã tạo điều kiện phát triển miền núi như: cơ chế khuyến khích Bảo tồn và phát triển Quế Trà My, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Đồng thời trong năm 2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025 với tổng kinh phí thực hiện đề án là 104,6 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư là 15 tỷ đồng. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021 - 2030.
Trong giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục triển khai 2 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, khu vực miền núi, Trung ương đã bổ sung thêm Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là nguồn lực quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miến núi; hoàn thành phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với 3 chương trình MTQG, đã ban hành quy định về tiêu chí định mức phân bổ vốn của các Chương trình.
Đến nay, về cơ bản các cơ chế chính sách phát triển miền núi của Trung ương, tỉnh được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, vừa hỗ trợ đầu tư hạ tầng vừa khuyến khích phát triển sản xuất, tập trung triển khai thực hiện các nhóm dự án quan trọng phát triển vùng Tây, từng bước tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025 đã đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước của 9 huyện miền núi 11 tháng năm 2022 là 1.949,521 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cung kỳ năm 2021 và vượt 61,6% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,74%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%, có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 123/194 xã, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 75,4%, có 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,84%,...
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định trong thời gian qua, toàn tỉnh đã có nhiều đề án, chính sách, tập trung nguồn lực cho sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số, miền núi phía Tây của tỉnh. Nguồn lực đầu tư lớn với nhiều đề án, dự án đã được ban hành nhằm tìm những định hướng cho khu vực này. Nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần phải có những giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây trong thời gian tới. Theo đó, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị Ban Chỉ đạo khẩn trương xây dựng chương trình hành động cho năm 2023, bám sát vào nội dung 05 nhóm dự án và 23 chỉ tiêu đã đề ra.