Ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp
Có thể nói, năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo và kế hoạch triển khai của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về Cải cách hành chính và Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình Chuyển đổi số trong toàn ngành. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định nhiệm vụ nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cần ưu tiên thực hiện, do đó đến nay, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã tổ chức thành công các hoạt động như: Xây dựng chuyên mục Chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử của Sở và các website của các đơn vị trực thuộc Sở; triển khai hoạt động cung cấp cung cấp và khai thác thông tin app Smart Quảng Nam trong toàn Sở.
Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam" đã thu hút nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả CĐS trong nông nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức đẩy mạnh thông tin tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cho 190 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; tập huấn hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp cho cán bộ phụ trách chuyển đổi số của đơn vị trực thuộc Sở; Phòng Nông nghiệp và PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm kỹ thuật Nông nghiệp và hơn 30 Giám đốc các HTX tiêu biểu có hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã cử cán bộ giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên, chuyên viên phụ trách theo dõi chuyển đổi số thuộc các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở tham gia chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số do tỉnh Quảng Nam tổ chức…
Đặc biệt, thông qua Hội thảo "Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam" được tổ chức vào tháng 9/2022 vừa qua, đã góp phần giúp ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều giải pháp hữu ích, thiết thực để triển khai chuyển đổi số hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác truyền thông chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường mạng; triển khai nhập dữ liệu báo cáo hàng tháng trên hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Quảng Nam (LRIS) và tích hợp số liệu vào hệ thống IOC tỉnh Quảng Nam nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, tổ chức triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và PTNT được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp quyền sử dụng và khai thác. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đang triển khai thực hiện chủ trương xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp từ tỉnh đến địa phương cấp xã và kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Hiện nay, Sở NN&PTNT cũng đang xây dựng phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân; app Phòng chống thiên tai ứng dụng trên điện thoại, máy tính. Đồng thời, đã tổ chức xây dựng và đưa vào vận hành: ứng dụng VRAIN trên điện thoại; hệ thống quản lý, giám sát rừng tỉnh Quảng Nam; phần mềm quản lý dữ liệu Thanh tra pháp chế. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số phục vụ quá trình Chuyển đổi số toàn ngành. Xây dựng và nâng cấp website của các đơn vị trực thuộc Sở.
Phát triển kinh tế số nông nghiệp
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, theo Quyết định số 749 ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp được xác định là một trong 8 ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện CĐS. CĐS ngành Nông nghiệp được triển khai dựa trên các quan điểm: chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh nông sản và phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử đã góp phần trong việc quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp; tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường…Đó chính là mục đích hướng tới trong việc chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp”- Ông Trương Xuân Tý chia sẻ thêm.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, việc quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần với người tiêu dùng đã trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn bao giờ hết. Hiện nay, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên công thông tin điện tử: http://sanpham.quangnam.gov.vn; http://conghtxocop.vn; phiên chợ khuyến nông và các sàn thương mại điện tử: Postmart.vn với 109 sản phẩm và Voso.vn với 104 sản phẩm.
Là một doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong vận hành, quản lý và thương mại hoá sản phẩm, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, Tp. Tam Kỳ), chủ thương hiệu Best One đã thành công đưa sản phẩm trái nhàu khởi nghiệp khá thành công. Chị Nhung chia sẻ: “Đơn vị đã tiến hành thương mại sản phẩm trên tất cả các kênh thương mại điện tử, trên websize, facebook, zalo, shopee… Ngoài ra, cơ sở cũng áp dụng chuyển đổi số vào trong quản lý nhân viên, sản phẩm tồn kho qua các phần mềm theo dõi. Các dữ liệu đều được lưu trữ trên hệ thống đám mây. Qua thời gian vận hành, chuyển đổi số đã giúp sản phẩm nông nghiệp của doanh nghiệp lan rộng và dễ dàng vận hành hơn".
Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam đã phối hợp với Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, UBND các xã/phường/thị trấn tiến hành làm việc trực tiếp với các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia vào chuỗi liên kết giá trị nhằm mục đích khảo sát trực tiếp thực trạng sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cũng như việc ứng dụng công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua kết quả khảo sát, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở xây dựng các Phương án hướng dẫn thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu của các Phương án nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho chủ thể sản xuất thực hiện những nhiệm vụ như: Xây dựng mã vùng trồng, nhật ký điện tử, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm như: đăng ký nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch; bao bì; nhãn mác; trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến…; hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Ngoài ra, để định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp, trong giai đoạn đến, ngành Nông nghiệp Quảng Nam tập trung nguồn lực hỗ trợ vào nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ có tiềm năng thực hiện phát triển kinh tế số nông nghiệp; đối tượng sản xuất là nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP; tập trung cho xã/huyện phấn đấu về đích NTM, NTM nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh theo định hướng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị trong đó: Thúc đẩy sản xuất theo qui trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận tại vùng nguyên liệu; thúc đẩy phát triển mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại vùng nguyên liệu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản chủ lực, đặc hữu, sản phẩm OCOP gắn với hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, sản phẩm OCOP…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, ngành nông nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng khi xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể đối với các chủ thể tham gia lộ trình CĐS, bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.
Để thực hiện CĐS ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý ngành nông nghiệp tích cực xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” và kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến; xây dựng nhật ký điện tử, số hóa dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh...