Nam Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Kế hoạch chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh là cơ sở để các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2024.
Tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ về Chương trình chuyển đổi số được giao tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 2100/KH-UBND ngày 26/3/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 trên địa bàn huyện.
UBND huyện Nam Giang yêu cầu các Phòng, ban, UBND xã triển khai các nội dung, nhiệm vụ đề ra phải thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương. Thông qua việc triển khai Chương trình chuyển đổi số, từng bước hình thành mô hình nông thôn mới thông minh; nâng cao vai trò, hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới bền vững. Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả và thống nhất giữa các cơ quan, ngành có liên quan và UBND các xã trong tổ chức triển khai thực hiện. Quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì của các cấp, các ngành, UBND các xã trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2024.
Theo Kế hoạch, huyện Nam Giang sẽ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số: Các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới: Tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số, đẩy mạnh việc cung cấp và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, internet băng rộng; hỗ trợ người dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (mạng wifi internet miễn phí trong khu vực trung tâm xã, các điểm sinh hoạt văn hóa ở cộng đồng, điểm du lịch nông thôn,…), các nền tảng số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp, đặc biệt là trong quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường. Tăng cường áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức triển khai, thông tin truyền thông, đào tạo và tập huấn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương;
Ứng dụng nền tảng quản lý trực tuyến thống nhất trong công tác: Lập kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và đánh giá, phân hạng, sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn; giám sát chất lượng môi trường, quản lý các nguồn chất thải, chất ô nhiễm và cấp nước sạch nông thôn;
Triển khai đầu tư hệ thống Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cấp xã theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh.
Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn: Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận vườn giống, cây đầu dòng, gắn mã quét QR các sản phẩm, nhất là các cây trồng bản địa, có giá trị kinh tế cao như Sâm bảy lá, Cây ba kích tím, cây Đẳng sâm và các loại dược liệu khác. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Ứng dụng trực tuyến, tăng cường trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.
Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số đầu tư, phát triển và cung cấp dịch vụ trực tuyến về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn ở các địa phương. Triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, đảm bảo từng địa chỉ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được gắn biển địa chỉ số (theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông). Tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng, dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.
Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương (y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường, cải cách hành chính, an ninh trật tự, du lịch nông thôn…). Phối hợp thực hiện tốt mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng xã nông thôn mới theo danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Triển khai thí điểm các mô hình thôn nông thôn mới để nhân rộng trên địa bàn huyện gắn với việc thực hiện tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn vốn kế hoạch chuyển đổi số Nguồn ngân sách trung ương bổ sung thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới năm 2024; Nguồn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới năm 2024; nguồn ngân sách cấp huyện, xã; nguồn vốn xã hội hóa, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, vốn huy động.