Tam Kỳ triển khai hiệu quả các mô hình tự quản về môi trường và phân loại rác thải nguy hại tại đồng ruộng.
Mô hình tự quản về vệ sinh môi trường đã huy động sự tham gia của tất cả các Hội, Đoàn thể tại các địa phương như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, UBMTTQ Việt Nam các xã phường… từ đó giúp mọi tầng lớp nhân dân cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác vệ sinh môi trường tại khu dân cư sinh sống. Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các mô hình trong đó có lồng ghép nhiều nội dung tự quản về vệ sinh môi trường tiêu biểu là một số mô hình như sau:
Mô hình dân vận “Nhà sạch - Vườn đẹp - Đường không rác - Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự” tại xã Tam Thanh. Mô hình được ra mắt thí điểm tại thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh từ năm 2023. Đảng ủy xã Tam Thanh đã thành lập ban chỉ đạo, Ban dân vận để triển khai thực hiện mô hình. Từ khi ra mắt đến nay, mô hình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác vệ sinh môi trường, phân loại rác thải được người dân thực hiện tốt, con đường hoa, cây xanh được mở rộng từ các hộ gia đình đến các tuyến đường chung của thôn, các cấp quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước giảm tình trạng nước ứ đọng vào mùa mưa. Mô hình đã giúp nâng cao nhận thức cho mỗi nhà, mỗi người về vệ sinh môi trường, có trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khu dân cư, nơi công cộng. Năm 2024, mô hình đang được tiếp tục triển khai thực hiện tại các thôn còn lại của xã Tam Thanh.
Đối với Mô hình Tình nguyện viên nhí, anh Lê Dũng – Trưởng thôn Hòa Trung tại xã Tam Thanh nhận thấy tại khu vực bãi biển trên địa bàn xã ý thức của người dân, khách du lịch còn chưa tốt, tình trạng vức rác bừa bãi làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường trên khu vực bãi biển, một khu vực quan trọng trong phát triển du lịch, kinh tế cho người dân tại xã. Anh đã lên ý tưởng thành lập Đội tình nguyện viên nhí tình nguyện dọn vệ sinh môi trường, đội tình nguyện được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2022. Hiện nay, Đội tình nguyện viên nhí này bao gồm 21 thành viên là các em học sinh từ các độ tuổi khác nhau. Mỗi buổi sáng cuối tuần, các em cùng nhau tình nguyện nhặt rác tại khu vực bãi biển Tam Thanh. Từ khi thành lập đến nay, vệ sinh môi trường tại khu vực biển Tam Thanh được cải thiện đáng kể, đồng thời hành động của các em đã góp phần nâng cao nhận thức của du khách đến tham quan, mọi người dân xung quanh khu vực bãi biển. UBND thành phố Tam Kỳ đã tặng bằng khen cho Đội tình nguyện viên nhí này nhằm động viện tinh thần, khích lệ hành động đẹp của các em trong công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời để thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, một trong những chỉ tiêu quan trọng của tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đang hỗ trợ các địa phương thực hiện mô hình “Xử lý rác hữu cơ tại nhà”, mô hình “Chống rác thải nhựa”, “Phụ nữ xách giỏ đi chợ”, mô hình “Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường”: Hiện nay, đã có hơn 300 thùng rác hữu cơ và men vi sinh được hỗ trợ đến người dân các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Ngọc, Tam Phú, Hòa Thuận để thực hiện mô hình này. Mô hình “Chống rác thải nhựa”, “Phụ nữ xách giỏ đi chợ”: Hội Liên Hiệp Phụ nữ các xã đã thành lập các tổ phụ nữ tự quản, tuyên truyền vận động các chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ, nói không với rác thải nhựa, túi ni lông dùng một lần. Đồng thời thực hiện phong trào “Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường”, UBND thành phố đã thực hiện lắp đặt 28 ngôi nhà xanh tại các xã, phường và các điểm công cộng trên địa bàn thành phố để thu gom rác thải nhựa cũng như rác thải có khả năng tái chế. Qua quá trình thực hiện mô hình, Hội liên hiệp phụ nữ các xã, phường đã tích lũy được một phần kinh phí để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các mô hình trên đã mang lại lợi ích kép nhờ giảm thiểu lượng rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế phát sinh ra môi trường, giảm áp lực cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải, đồng thời tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho các hộ gia đình. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân ý thức hơn trong bảo vệ môi trường.
Để giảm thiểu tác động của hoạt động trồng trọt trên cánh đồng, đặc biệt là chất thải nguy hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, Hội Nông dân các xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình lắp đặt bể chứa, thu gom rác thải nguy hại đồng ruộng. Các địa phương thực hiện khảo sát các địa điểm đặt bể chứa thích hợp, cao ráo, không bị ngập lụt, dễ dàng cho công tác thu gom. Bể được làm bằng bê tông cốt thép, có đáy bể chống thấm, có nắp đậy để tránh nước mưa chảy vào bể chứa. Từ khi ra mắt mô hình đến nay, các địa phương đã lắp đặt khoảng 150 bể chứa. Đồng thời, để thực hiện hiệu quả mô hình, các xã phường đã thành lập Tổ tự quản thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, các thành viên trong tổ đã ký cam kết đăng ký thực hiện các nội dung: tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân không vức rác thải, đặc biệt là bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống ao, hồ, sông, suối,.., thu gom rác thải và bỏ đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước; Không đốt rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến môi trường, không vức xác động vật chết và các loại rác thải khác vào bể chứa rác nguy hại đồng ruộng; hằng tháng tổ chức thu gom rác tại các bể chứa và tập kết tại nơi quy định để hợp đồng với đơn vị chức năng đến thu gom, xử lý theo quy định. Mô hình phân loại, thu gom chất thải nguy hại tại cánh đồng đã nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, hành động của nhân dân, đặc biệt là các hộ gia đình trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, giúp công tác quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ khâu phân loại, lưu chứa, thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo triệt để, an toàn góp phần giữ gìn môi trường trong lành, sạch đẹp cho các địa phương.