Ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, huyện sẽ triển khai thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt (triển khai thí điểm mỗi xã 40 hộ) và mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ vi sinh (mỗi xã 1 điểm). Tổng kinh phí triển khai thực hiện mô hình là 3,2 tỷ đồng.
Đến nay, UBND huyện đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình, thành lập Hội đồng thẩm định và tổ giúp việc Hội đồng thẩm định; Các chủ đầu tư đã thực hiện hoàn thành việc lập hồ sơ Phương án và dự toán mô hình; Hội đồng thẩm định của huyện đã tổ chức thẩm định và trình UBND huyện phê duyệt phương án thực hiện của các xã.
Mô hình quản lý và xử lý rác thải dựa trên nguyên lý thu hồi, tái sử dụng bằng công nghệ sinh học giúp giải quyết được vấn đề chất thải thải ra ngoài môi trường qua quá trình canh tác, sinh hoạt một cách triệt để đối với nguồn rác sau khi được phân loại. Mô hình này được thực hiện sẽ đem đến nhiều tác động tích cực đến môi trường sống và các điều kiện kinh tế, xã hội của người dân, như:
Làm sạch môi trường sống: tại hộ gia đình, khi thực hiện phương án thì rác từ các hộ gia đình sẽ được phân loại và được chứa trong các thùng chứa rác đúng quy cách, đặc biệt đối với rác hữu cơ, hạn chế tối thiểu khả năng phát tán ô nhiễm (nước rò rỉ, mùi hôi, ruồi nhặng…).
Nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác thải nói riêng và vấn đề môi trường nói chung. Người dân chủ động trong toàn bộ hệ thống quản lý chất thải rắn tại hộ gia đình. Giảm chi phí cho công tác quản lý chất thải rắn. Tái sử dụng triệt để nguồn chất thải có khả năng tái sử dụng đồng thời giảm thiểu mức độ ô nhiễm ở các trạm điểm trung chuyển rác tại địa phương. Giảm diện tích chôn lấp. Giảm lượng khí metan gây “hiệu ứng nhà kính” và các loại khí tại bãi chôn lấp khác gây ô nhiễm môi trưởng do sản phẩm của quá trình phân hủy các chất hữu cơ. Giảm lưu lượng và nồng độ của nước rỉ rác. Sản phẩm của mô hình là phân hữu cơ vi sinh, sử dụng cho các loại cây trồng trong nông nghiệp tạo mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, từng bước phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Thông qua mô hình, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, khuyến khích phát triển các phương án ứng dụng công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp phục vụ nền kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trường sống người dân khu vực nông thôn xanh, sạch, đẹp.