Mô hình vườn cây trái ở xã Tiên Hà
Tiên Phước là một huyện trung du miền núi, có lợi thế phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại gắn phát triển du lịch sinh thái. Trong những năm qua, tranh thủ nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế để huy động nguồn lực, phát huy nội lực các cấp từ huyện đến cơ sở được triển khai. Đối với cấp Hội phụ nữ các cấp, hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh bắt đầu năm 2014, Hội LHPN huyện đã phối hợp xây dựng kế hoạch chỉ đạo, chọn 03 xã triển khai điểm (Tiên Phong, Tiên Cảnh, Tiên Sơn) thực hiện mô hình “Nhà sạch-Vườn đẹp” để từ đó nhân rộng trên địa bàn.
Từ năm 2022 đến nay, mô hình này được phát động, chỉ đạo, bước đầu triển khai phát triển thành mô hình “Liên kết Nhà sạch – Vườn đẹp”. Cơ bản đạt được một số kết quả cụ thể: từ 11 tổ với 150 thành viên/ 3 xã điểm Tiên Cảnh, Tiên Phong, Tiên Sơn đến cuối năm 2014 toàn huyện có 21 tổ với 325 hộ tham gia ở 6 xã Tiên Cảnh, Phong, Sơn, Thọ, Lập, Cẩm, mô hình “Nhà sạch - vườn đẹp” gắn với xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” làm cho diện mạo nông thôn huyện Tiên Phước ngày càng khởi sắc.
Đến tháng 7/2022, trên cơ sở mô hình “Nhà sạch vườn đẹp”, Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội cơ sở củng cố, xét chọn và thành lập mô hình liên kết nhà sạch vườn đẹp nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ những hộ liên cư, liên địa, nâng cao chất lượng mô hình cho phù hợp với tình hình mới, hiện nay toàn huyện có 24 mô hình tại 15 xã, thị trấn với 329 thành viên tham gia với tổng chiều dài các Tuyến là 26.211m, tuyến ngắn nhất 200m, dài nhất 2060m.
Cùng với việc lồng ghép trong triển khai mô hình liên kết nhà sạch vườn đẹp, cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, 5 có 3 sạch, các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Hội; công tác tham gia Bảo vệ môi trường được các cấp Hội quan tâm với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Ngoài đưa vào thành tiêu chí thi đua, công tác tuyên truyền được quan tâm triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ngoài các lớp tập huấn, truyền thông, thường xuyên tổ chức các cuộc thi video truyền thông nâng cao ý thức Bảo vệ môi trường, đăng tải trên trang Facebook Hội tạo sự lan tỏa. Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện và nhân rộng các mô hình hay hiệu quả như Trồng hoa thay cỏ dại, mô hình phế liệu tình thương, tổ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, hoạt động Ngày thứ 7 tình nguyện tham gia Bảo vệ môi trường, ngày chủ nhật ra quân Bảo vệ môi trường… Hiện nay toàn huyện có 51 mô hình, với 1.853 thành viên tham gia. Trong đó, đáng chú ý là mô hình Phế liệu tình thương, thu gom phế liệu gây quỹ, vừa tuyên truyền vận động thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, ý thức bảo vệ môi trường đồng thời bán phế liệu gây quỹ hỗ trợ trẻ em, phụ nữ khó khăn, tổng thu từ nguồn này 90.144.000 đồng.
Có được những kết quả đó là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng tình hưởng ứng của các thành viên mô hình, hội viên phụ nữ; đổi mới, sáng tạo, tranh thủ lồng ghép các nguồn lực trong triển khai thực hiện của các cấp Hội. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, do đặc điểm địa hình là huyện trung du miền núi nên các hộ tham gia mô hình chưa liên cư, liên địa; điều kiện hoàn cảnh, kinh tế, khuôn viên, nhà cửa của mỗi gia đình khác nhau, nguồn lực của từng chủ thể (hộ gia đình), nguồn lực xã hội hóa vẫn còn hạn chế, đây là mô hình mới nên sự tham gia vào cuộc và hiệu quả thực hiện ở một số đơn vị địa phương chưa cao.
Xác định đây là mô hình thiết thực, phù hợp điều kiện địa phương, phù hợp chức năng, nhiệm vụ Hội, thời gian tới, BTV Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình; xây dựng Đề án tranh thủ nguồn lực hỗ trợ hoàn chỉnh mô hình trên địa bàn.