hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Bắc Trà My: Hiệu quả với mô hình xây hầm biogas lấy khí đốt, tạo phân bón hữu cơ (20/10/2024)
Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nguồn kinh phí huyện bổ sung và nguồn đối ứng từ các hộ dân được hưởng lợi, huyện Bắc Trà My đã và đang triển khai thực hiện mô hình tại hơn 100 hộ chăn nuôi với tổng nguồn kinh phí 1,6 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Bắc Trà My là huyện miền núi cao, trên 80% dân số lao động nông nghiệp, trong đó chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm một phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Mặc dù những năm gần đây tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp với nhiều loại dịch bệnh mới xuất hiện, nhưng chăn nuôi vẫn luôn được duy trì và phát triển.

Cùng với phát triển chăn nuôi là vấn đề về môi trường, với điều kiện của huyện miền núi, chăn nuôi quy mô theo hình thức trang trại vẫn còn hạn chế, chủ yếu ở phạm vi hộ gia đình nhỏ lẻ là phổ biến và rải rác trong khu dân cư, vì vậy việc xử lý chất thải chăn nuôi của hầu hết hộ chăn nuôi hiện nay là theo cách làm thủ công truyền thống như đào hố chứa phân, khi đầy hố sẽ vớt lên, che đậy để ủ làm phân bón, phần nước thải lỏng còn lại đều xả trực tiếp ra đất hoặc mương suối nên gây hôi thối, thu hút ruồi nhặng, phát tán mầm bệnh, nguy cơ cao gây dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước xung quanh…ảnh hưởng đến môi trường, sinh hoạt của chính hộ chăn nuôi và các hộ lân cận.

Để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nói riêng và thực hiện tốt tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện nói chung thì việc lựa chọn, áp dụng các biện pháp xử lý sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương rất quan trọng, một trong những biện pháp phổ biến, phù hợp và hiệu quả hiện nay để thu gom, xử lý, tái sử dụng các chất thải chăn nuôi, tiết kiệm chi phí cho các hộ gia đình chăn nuôi đó là: xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas lấy khí đốt và tạo phân bón hữu cơ phục vụ chăm sóc cây trồng

Hầm biogas, còn được gọi là hầm ủ biogas hoặc hầm xử lý biogas, là một hệ thống dùng để xử lý chất thải hữu cơ, đặc biệt là chất thải từ gia súc, gia cầm và phân bón, để sản xuất khí metan (CH4), hay còn gọi là khí biogas. Đây là nguồn năng lượng tái tạo, biến đổi chất thải hữu cơ thành nhiên liệu sạch, có thể sử dụng để nấu ăn hàng ngày hoặc tạo điện. Hầm biogas có 2 loại: hầm xây bằng gạch và loại hầm Hầm Biogas composite bán sẵn trên thị trường. Mô hình ở huyện Bắc Trà My ứng dụng là Hầm Biogas composite, loại được từ vật liệu tổng hợp là loại hầm có nhiều ưu điểm và phổ biến hiện nay vì độ bền cao hơn hẳn các loại hầm khác, không tốn quá nhiều diện tích đất và dễ dàng lắp đặt, bảo trì; dễ dàng tháo dỡ, lắp đặt khi cần thiết nếu các hộ gia đình chuyển đổi vị trí chuồng trại.

Hệ thống xử lý của mô hình gồm: 1 hầm Biogas composite, một bể lắng trước Bioga và một bể chứa nước thải sau bioga được xây bằng gạch, ống lấy khí, bộ lọc khí, bếp ga và các thiết bị cần thiết khác. Tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng/hệ thống/hộ.

Hầm biogas là một công nghệ xử lý chất thải động vật trong môi trường kín, ngăn chặn tình trạng vi khuẩn cùng các mầm bệnh bám trụ và gây bệnh cho vật nuôi. Hầm biogas không gây mùi hôi, không sử dụng hóa chất độc hại, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đồng thời, giúp giảm lượng khí metan gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ khí hậu và tạo ra nguồn năng lượng sạch. Quá trình phân hủy chất thải gia súc gia cầm của hầm biogas sẽ tạo ra nguồn khí đốt dồi dào, phục vụ cho nấu nướng hằng ngày, tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình.

Ngoài ra, quá trình phân hủy chất thải trong môi trường kỵ khí sẽ tạo nên nguồn nước giàu dinh dưỡng, rất tốt cho cây trồng, có thể tận dụng nguồn nước này để trồng rau xanh hoặc được xử lý đảm bảo trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Đồng thời lượng bã phân từ bể thu gom ban đầu sau 2 - 3 ngày, có độ ẩm cao, sẽ được tiếp tục thu gom và xử lý trộn với trấu, cám và chế phẩm sinh học để ủ làm phân hữu cơ, phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, không có mùi, tơi xốp, tốt cho cây trồng.

Từ năm 2021 đến nay, từ nguồn kinh phí cấp trên hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nguồn kinh phí huyện bổ sung và nguồn đối ứng từ các hộ dân được hưởng lợi, huyện Bắc Trà My đã và đang triển khai thực hiện mô hình tại hơn 100 hộ chăn nuôi với tổng nguồn kinh phí 1,6 tỷ đồng; chủ yếu tại các hộ chăn nuôi quy mô khoảng từ 10-15 con lợn hoặc 2-3 con bò và 5-7 con lợn, có diện tích vườn sản xuất các loại cây ăn quả, hoa màu khoảng 1000 m2 trở lên…Qua kiểm tra, đánh giá mô hình đã đem lại những hiệu quả tích cực, được người dân hưởng ứng.

Mặc dù mô hình trên là không mới, vì từ lâu đã được ứng dụng nhiều trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên ở khu vực miền núi trước đây vẫn còn ít được hộ chăn nuôi quan tâm; những năm gần đây qua tuyên truyền, giới thiệu mô hình và khi triển khai thực hiện trên địa bàn huyện, thấy được lợi ích thiết thực nên có nhiều hộ chăn nuôi hưởng ứng, tích cực tham gia mô hình góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện nói chung, trong chăn nuôi nói riêng và đem lại lợi ích về kinh tế cho hộ gia đình nên cần được tiếp tục tuyên truyền nhân rộng.

 

THANH KÔNG

Lượt xem:  26 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 89 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com