"Tăng tốc" xây dựng khu dân cư kiểu mẫu
Ông Hà Tất Phương cho biết, trên địa bàn huyện Quế Sơn có 11 xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Là huyện trung du còn rất nhiều khó khăn nhưng hơn 10 năm qua địa phương tập trung nỗ lực cho việc thực hiện chương trình này và kết quả mang lại khả quan.
Trong số 11 xã trên toàn huyện, đến nay Quế Sơn có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Mỹ, Quế Châu, Quế Long. Riêng Quế Phú được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hiện nay, các đơn vị liên quan của huyện khẩn trương hoàn tất thủ tục để đề nghị UBND tỉnh công nhận xã Quế Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Theo lộ trình, năm 2023 huyện sẽ có 2 xã đạt chuẩn là Quế Minh và Quế An, năm 2024 thêm 2 xã cuối cùng về đích là Quế Phong và Quế Thuận. Mục tiêu Quế Sơn đặt ra là phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.
"Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, 5 năm gần đây Quế Sơn đặc biệt quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Quế Sơn xác định mô hình này là nền tảng cơ bản để hình thành nên những làng quê đáng sống…", ông Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Kim Vân - cán bộ chuyên trách lĩnh vực nông thôn mới của Phòng NNPTNT Quế Sơn cho biết, ngoài 500 triệu đồng do ngân sách tỉnh cấp, UBND huyện Quế Sơn còn trích nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ cho mỗi thôn từ 50 - 100 triệu đồng để có điều kiện triển khai các phần việc liên quan trong xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
"Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện Quế Sơn đã có 12 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, Quế Xuân 1 và Quế Phú mỗi xã có 4 thôn, Quế Mỹ có 2 thôn, Quế Xuân 2 và Quế Châu mỗi xã có 1 thôn.
Theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện sẽ tiếp tục linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình này, phấn đấu có thêm 14 thôn đạt chuẩn kKhu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu", ông Vân nói.
An Lộc nỗ lực vượt khó
Thời điểm này, nông dân thôn An Lộc (xã Quế Minh, huyện Quế Sơn) hối hả làm đất và vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ lúa đông xuân 2022 - 2023 theo đúng khung thời vụ.
Ông Huỳnh Tân - Trưởng thôn An Lộc cho biết, địa phương có 28ha đất lúa, trong đó khoảng 96% chủ động nguồn nước tưới. Những năm gần đây, nhờ ngành chuyên môn và chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ người dân đưa nhiều loại giống lúa mới vào canh tác đại trà nên năng suất đạt khá cao.
Theo thống kê, năm 2022, năng suất lúa bình quân của thôn đạt 50 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với năm 2017 trở về trước.
Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nhiều kênh vốn ưu đãi, nông dân thôn An Lộc có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng nguyên liệu theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo ông Huỳnh Tân, hiện địa phương có gần 20ha rừng keo lai, mỗi năm người dân khai thác bán ra thị trường khoảng 5ha với mức giá bình quân 70 - 80 triệu đồng/ha.
Cùng với đó, nông dân cũng tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất màu và hình thành các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, heo thịt thương phẩm... theo phương thức thâm canh, bán thâm canh đảm bảo an toàn sinh học nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế nguy cơ dịch bệnh gây hại.
"Thôn An Lộc có 4 tổ dân cư với 267 hộ dân, 968 nhân khẩu. Những năm qua, nhờ nỗ lực phát triển kinh tế hộ nên đời sống nhân dân địa phương không ngừng cải thiện.
Qua khảo sát cho thấy, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt gần 43 triệu đồng, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2017. Đến thời điểm này, toàn thôn còn 16 hộ nghèo (trong đó có 14 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội), giảm 5 hộ nghèo so với cách đây 5 năm", ông Huỳnh Tân chia sẻ.
Ông Nguyễn Phước Tâm, Chủ tịch UBND xã Quế Minh (Quế Sơn) cho hay, đầu năm 2021 thôn An Lộc chính thức phát động xây dựng mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của tỉnh và huyện Quế Sơn. Đây là thôn đầu tiên của xã Quế Minh được lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình này.
Theo ông Tâm, trong 2 năm qua, diện mạo làng quê An Lộc rất khởi sắc. Đến nay, 100% hộ dân ở thôn An Lộc được dùng điện thắp sáng, nước sạch và hơn 95% số hộ có hố xí hợp vệ sinh.
Trong số 7 tộc họ trên địa bàn, đã có 3 tộc họ được công nhận tộc họ văn hóa. Qua bình xét, năm 2022 toàn thôn có 96,3% hộ dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Thôn An Lộc đang nỗ lực thực hiện nhiều phần việc trong xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2023.
Trương Hồng - Mai Nhi (báo Dân Việt)