Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện ngay Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 06/3/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống khống chế dịch bệnh ở lợn trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý. Đồng thời triển khai thực hiện một số nội dung như: Rà soát, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với diễn biến tình hình bệnh DTLCP; trong đó có phương án chủ động đối với trường hợp phải tiêu hủy lợn với số lượng lớn trên địa bàn (địa điểm chôn lấp, lực lượng, kinh phí, vật tư hóa chất để tiêu hủy…). Khẩn trương thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đứng điểm theo từng địa bàn kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở cơ sở.
Thành lập Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện (gồm các lực lượng: Thú y, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông và các lực lượng liên quan) để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ trái phép, vận chuyển, nhập lợn, sản phẩm lợn vào địa bàn huyện, thị xã, thành phố (lưu ý quy trình kiểm dịch vận chuyển), nhất là các địa phương có các tuyến đường quốc lộ đi qua. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh đối với các trường hợp phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, sản phẩm lợn nghi mang mầm bệnh… xử lý tiêu hủy theo quy định để tránh lây lan dịch bệnh. Kiểm tra, xử lý hoặc chuyển xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật trên cạn theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và các quy định khác có liên quan. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn cảnh mini qua biên giới nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép lợn cảnh mini không rõ nguồn gốc, nhập lậu.
Chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ của nhân viên Thú y tại CSGM động vật tập trung để đảm bảo động vật đưa vào giết mổ khỏe mạnh, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; hằng tháng gửi danh sách nhân viên Thú y làm kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để hỗ trợ, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh. Xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn, phổ biến các văn bản phòng, chống bệnh DTLCP của Trung ương, của tỉnh đến các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn đóng trên địa bàn để chủ động tham gia tích cực trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP đạt hiệu quả. Chủ động phương án giết mổ lợn khỏe mạnh để tiêu thụ trong vùng có dịch (cấp xã, huyện) theo hướng dẫn tại điểm 3 Công văn số 1960/BNN-TY ngày 20/3/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Xây dựng kế hoạch kinh phí phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn, bao gồm cả chi phí cho công tác lấy mẫu, chi trả phí xét nghiệm bệnh DTLCP phục vụ công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh và phục vụ cho việc giết mổ lợn trong vùng có dịch (theo hướng dẫn của Cục Thú y tại Công văn số 387/TY-DT ngày 12/3/2019); hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy và chi trả các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt là thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát lâm sàng khu vực xung quanh ổ dịch và tại nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có giải pháp ứng phó kịp thời. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động tổ chức điều tra ổ dịch nhằm xác định nguyên nhân phát sinh và lây lan dịch bệnh, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, đạt hiệu quả. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh động vật cho báo chí.
Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP phù hợp với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan cấp trên. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bổ sung kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP đảm bảo theo quy định, kịp thời, đạt hiệu quả; chi làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt (chống dịch) cho các lực lượng tham gia Đội kiểm tra liên ngành, Đội cơ động phòng, chống bệnh, Tổ giúp việc cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật (áp dụng đối với lực lượng tỉnh, huyện) kể cả khi chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật. Trong khi chờ lập thủ tục bổ sung kinh phí theo quy định, tạm ứng nguồn chi hoạt động của đơn vị để kịp thời chi các nội dung cần thiết phục vụ phòng, chống bệnh DTLCP. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổng hợp, báo cáo hằng tuần (kể từ ngày 01/4/2019) cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh về công tác triển khai phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương đứng điểm của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở các cấp theo Quyết định số 36/QĐ-BCĐ ngày 26/3/2019 của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh Quảng Nam.
Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Tiếp tục thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình bệnh DTLCP; về đặc điểm cơ bản của bệnh DTLCP: lợn bệnh có thể bị chết đến 100% gây thiệt hại lớn về kinh tế, hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị, bệnh không lây sang người. Tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học để phòng lây nhiễm vi rút; thực hiện 5 KHÔNG theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để nuôi lợn.
Sở Thông tin - Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh để tránh gây hoang mang trong xã hội.