UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm an toàn theo chuỗi để người tiêu dùng được tiếp cận, lựa chọn. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan thuộc UBND cấp huyện trong việc quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, cơ sở. Chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời về các sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra tại địa phương. Xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ; không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết (thịt, giò chả, thủy sản, rau, củ quả,…), chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng,..; phổ biến các quy định pháp luật có liên quan cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và vận động người sản xuất, kinh doanh rau, quả, thịt, giò chả, thủy sản,… không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trong sản xuất, kinh doanh rau, quả; không sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất tăng trọng trong chăn nuôi; không sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục trong sản xuất thực phẩm ăn liền như: nem, chả, bánh chưng, …; công bố công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm và các sản phẩm không đảm bảo an toàn; Tiếp tục hướng dẫn các địa phương duy trì và phát triển nhân rộng các mô hình chuỗi sản phẩm an toàn, sản xuất VietGAP, HACCP; tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác hình thành và mở rộng các điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi để phục vụ người tiêu dùng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan triển khai Đoàn Thanh tra liên ngành dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 theo Kế hoạch 106/KHBCDLNVATTP ngày 19/12/2018 của Ban Chỉ đạo Liên ngành về an toàn thực phẩm, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng.
Chỉ đạo các Chi cục chuyên ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong chăn nuôi và thú y tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật; kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt và bảo vệ thực vật ở quá trình trồng trọt, xử lý sau thu hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết để có sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng. Giao Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản làm đầu mối tổng hợp và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 28/02/2019. Theo dõi, tham mưu báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh các địa phương, đơn vị không triển khai thực hiện để kịp thời chỉ đạo.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà hàng, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm (sử dụng thực phẩm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận VietGAP, HACCP hoặc bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn để chế biến thực phẩm). Hướng dẫn cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; tuyên truyền không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu trong mùa Lễ hội. Công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật; giới thiệu các cơ sở sản xuất theo chuỗi đến các nhà hàng, bếp ăn tập thể đông người,…
Sở Công Thương tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết. Khảo sát, theo dõi nhu cầu thị trường, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Chủ động triển khai các biện pháp ổn định thị trường, không để thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến; đặc biệt chú trọng đảm bảo nguồn hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khó khăn,…
Cục Quản lý thị trường tỉnh: Tổ chức phân công kiểm tra theo Quyết định số 02/QĐ-QLTT ngày 03/01/2019 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Trong đó tập trung kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, đo lường và chất lượng hàng hóa; kiểm tra hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa; kiểm tra về thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; kiểm tra các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống
Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) thường xuyên phối hợp với Chi cục chuyên ngành của các Sở để tham gia phối hợp ngăn chặn tận gốc việc mua bán và sử dụng chất cấm trong 4 chăn nuôi; sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản sử dụng chất cấm, không rõ nguồn gốc và không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, HACCP) hoặc bản cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, buôn bán và vận chuyển sản phẩm thực phẩm; quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm an toàn; các mô hình chuỗi sản xuất cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Thông tin kịp thời, chính xác những trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và thường xuyên đăng các tin, bài phản ảnh gương tốt, việc tốt về các cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong an toàn thực phẩm
Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể nhân dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động nhân dân phát hiện và tố giác các cơ sở buôn bán và sử dụng chất cấm để sản xuất thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trước ngày 25/02/2019 để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định./