Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP; giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, gồm: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản bằng nhiều hình thức để thay đổi hành vi sản xuất thực phẩm không an toàn. Tổ chức các hoạt động để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh liên kết tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố xây dựng thêm các chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, công khai nơi bày bán trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết lựa chọn. 100% các vùng sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh được giám sát dư lượng hóa chất độc hại.
Đến cuối năm 2019, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh cấm giảm 10% so với năm 2018; 100% Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế cấp huyện được tập huấn Thông tư số 38/2018/TT-BNN&PTNT ngày 25/12/2018, Thông tư số 17/2018/TT-BNN&PTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh được tập huấn và hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được thẩm định để xếp loại và đánh giá định kỳ theo quy định tại Thông tư 38/2018/TT-BNN&PTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Phấn đấu 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được UBND cấp xã tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BNN&PTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vi phạm pháp luật về ATTP được xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để đạt các mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra các nội dung triển khai thực hiện như tăng cường chỉ đạo thực hiện các Chỉ thị của UBND tỉnh: Số 03/CTUBND ngày 21/01/2016 về đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; số 07/CT-UBND ngày 28/3/2016 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; số 16/CT-UBND ngày 17/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; Tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ ATTP nhập khẩu; Tiếp tục thực hiện Kế hoạch truyền thông vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 2416/QĐ-UBND ngày 06/7/2016 của UBND tỉnh. Tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật về ATTP, tập trung vào các quy định mới như Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính Phủ, Thông tư số 38/2018/TT-BNN&PTNT ngày 25/12/2018, Thông tư số 17/2018/TT-BNN&PTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP theo quy định của pháp luật; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là cán bộ quản lý tại tuyến huyện, xã…