hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thăng Bình tạo chuỗi liên kết trong nông nghiệp (11/05/2021)
Thăng Bình đang tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hóa.

 

Cơ giới hóa đã giúp cho liên kết sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình thuận lợi. Ảnh: Q.VIỆT

Cơ giới hóa đã giúp cho liên kết sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình thuận lợi. Ảnh: Q.VIỆT

Đôi bên cùng có lợi

Dù tác động xấu của dịch bệnh Covid-19 nhưng sản phẩm gạo “Cái quạt mo” của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình hiện có thị trường khá rộng như Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Để có đủ sản phẩm cung ứng, HTX đã liên kết với nông dân thị trấn Hà Lam và các xã Bình Nguyên, Bình Đào, Bình Dương sản xuất lúa VietGAP trên diện tích 24ha. Mỗi năm, qua 2 vụ sản xuất, HTX thu được sản lượng lúa hơn 240 tấn, sau đó xay xát, sàng lọc, bao bì, gắn nhãn mác với thương hiệu gạo “Cái quạt mo”. 

“Năng suất lúa không cao do canh tác sạch, không dùng phân hóa học, nhưng bù lại gạo bán được giá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Với sự liên kết này, cả HTX và nông dân cùng thu lợi” - ông Trần Hữu Tịnh, Giám đốc HTX nói.

Từ hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất lúa VietGAP, ông Tịnh cùng 12 thành viên trong HTX đang đẩy mạnh liên kết với HTX Bình Dương, HTX Hà Lam sản xuất sen trên diện tích 14ha; liên kết với các HTX và nông dân trên địa bàn đầu tư trồng măng tây và các loại rau sạch để chế biến, tạo chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Không chỉ liên kết nội vùng, một số HTX và các hộ sản xuất, người dân cũng đã quen với tư duy “liên kết cùng phát triển” trong sản xuất nông nghiệp, khi kết nối với các đối tác ngoài tỉnh.

Như HTX Bình Nam đang liên kết với Công ty Giống Quảng Bình sản xuất lúa, đậu phụng hàng hóa. Đến nay, HTX này đã vận động nông dân tập trung được 52,7ha ruộng đất để sản xuất lúa giống cung ứng cho đối tác là Công ty Giống Quảng Bình.

Để người dân yên tâm liên kết sản xuất, HTX Bình Nam đầu tư máy móc, công cụ sạ hàng, vật tư nông nghiệp phục vụ các bước lên luống, làm thửa, sạ, bón phân, thu hoạch, qua đó giảm chi phí đầu vào, giảm công lao động, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

“Chúng tôi hợp sức với nông dân đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đầu tư giao thông nội đồng, bê tông hóa kênh mương, điện, nước đầy đủ nên sản xuất thuận lợi, giá trị kinh tế thu được khá cao” - ông Trần Văn Ninh, Giám đốc HTX Bình Nam chia sẻ.

Ở vùng tây Thăng Bình, khi được Công ty CP Nghiên cứu & phát triển dược liệu Đại Việt “ngỏ lời”, một số hộ dân xã Bình Định Nam đã đồng ý liên kết trồng và cung ứng cây dược liệu cà gai leo. Với diện tích sản xuất ban đầu hơn 3ha, thành quả đem lại khá khả quan khi nông dân có đầu ra sản phẩm và giá cả ổn định, còn doanh nghiệp đã cho ra thành phẩm trà túi lọc cà gai leo có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, địa phương đang xúc tiến mở rộng diện tích, khai thác tiềm năng lớn của cây cà gai leo, hướng đến chế biến sâu để cung cấp loại dược liệu này cho thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. 

Khuyến khích phát triển

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện đã tích tụ được 696ha đất. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thăng Bình hiện có 19 HTX có thể liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi. Vấn đề cốt lõi trong thời gian đến là các HTX cần thống nhất với doanh nghiệp để liên kết sản xuất nhất quán theo quy trình kỹ thuật chung, ứng dụng tiến bộ khoa học, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP cho nông sản. Các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi trong thời gian đến cần được triển khai ở hầu hết lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến chế biến hải sản.

“Chúng tôi đang thu thập, kết nối ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, HTX để kiến nghị, đề xuất với tỉnh từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích phát triển các chuỗi giá trị liên kết nông nghiệp bền vững” - ông Vũ nói.

Một trong những điểm nhấn trong liên kết phát triển nông nghiệp hàng hóa của huyện Thăng Bình là chú trọng xây dựng chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Đến nay, địa phương có nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng, đi sâu vào thị trường, nhất là có mặt ở siêu thị trong và ngoài tỉnh như phở khô, bún khô, bột ngũ cốc, yến sào, cao chè vằng...

Ông Vũ cho hay, Thăng Bình đang tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Huyện đang tổ chức lại các HTX để làm đầu mối kết nối với doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  601 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 73 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com