Sản xuất theo chuỗi giá trị
Là địa phương thuần nông nằm ở phía đông huyện Thăng Bình, xã Bình Đào có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 320 ha. Nông nghiệp được sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, đất đai manh mún, nhỏ lẻ, tư duy tự cung tự cấp. Đến vụ đông xuân 2015-2016, UBND huyện Thăng Bình có chủ trương thí điểm mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp.
Nếp Hương Lân Trường Giang được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
HTX nông nghiệp Bình Đào đã tiên phong nhận nhiệm vụ tích tụ ruộng đất tập trung, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ban đầu, HTX quy hoạch được 20 ha đất, đến nay có trên 85 ha đất sản xuất tập trung tạo nên cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động thủ công, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Sau khi quy hoạch ruộng đất, HTX đã chủ động đầu tư các loại máy móc như máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, lò sấy, máy chế biến dầu ăn … phục vụ sản xuất chế biến, đem lại lợi ích lớn cho thành viên và các hộ liên kết.
Hiện nay, HTX có 6 sản phẩm như dầu mè, dầu phụng, gạo nếp Hương Lân Trường Giang, gạo quê Bình Đào, khoai lang Trà Đóa, trà thảo mộc “Lá mùng 5” được bán trên thị trường, trong đó “Dầu mè đen nguyên chất” và “nếp Hương Lân Trường Giang” được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Kết nối “4 nhà”
HTX nông nghiệp Bình Đào đã phát huy tốt vai trò kết nối, khai thác hiệu quả mô hình liên kết Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương. HTX chủ động xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, mè cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục trồng trọt BVTV tỉnh và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 625 hộ gia đình, đưa các giống cây trồng mới, cho năng suất hiệu quả cao vào canh tác. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư 100% giống lạc, mè, 30% phân bón cho thành viên sản xuất, tổng giá trị trên 570 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn chủ động liên kết với 4 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho thành viên và nông dân; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường.
Mô hình kinh tế hợp tác của HTX đã phát huy được vai trò nâng đỡ kinh tế hộ thành viên, giúp nông dân tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,91% (năm 2012) còn 1,77% (năm 2020), đời sống vật chất tinh thần của nhân dân tăng lên rõ rệt.
Bên cạnh tiêu chí số 13, HTX còn tổ chức dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt cho nhân dân bảo vệ môi trường góp phần thực hiện tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.