Quang cảnh hội nghị.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình NTM, sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người dân ngày càng tăng. Đến nay, người dân cơ bản đã nhận thức đúng được ý nghĩa, bản chất, mục đích của Chương trình, xác định được vai trò chủ thể của mình, chủ động tự giác thực hiện, từ chỗ “thụ hưởng, bị động" chuyển dần sang “chủ thể, chủ động"; ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và hài lòng với kết quả thực hiện Chương trình NTM.
Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách căn bản, kết cấu hạ tâng nhất là ở các xã đã đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Đã có một số hạ tầng được nâng cấp và hoạt động theo hướng hiện đại, văn minh, có xu thế gắn kết với phát triển đô thị văn minh, nhất là xã có lộ trình lên đô thị như Bình Minh.
Kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn, đến nay thu nhập bình đầu người khu vực nông thôn đạt 42 triệu đồng/người/năm, có những địa phương có nhiều đột phá, nhất là các địa phương vùng Đông của huyện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; sản xuất đã chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển đã có sự quan tâm cao về ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị.
Văn hóa, xã hội, môi trường khu vực nông thôn đã có sự thay đôi rõ nét tích cực. Môi trường sống ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn, nhất là ở những thôn có triển khai Khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn NTM.
Hệ thống chính trị được củng cố, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả ngày càng cao; bộ máy giúp việc cho Ban chỉ đạo các cấp từng bước được tinh gọn, hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã ngày càng được nâng cao cả về nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, nhất là ý thức, trách nhiệm. Năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ tham mưu, vận hành Chương trình đã có tiến bộ rõ rệt so với trước khi thực hiện Chương trình, qua đó đã khẳng định bộ máy hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Nguồn lực thực hiện Chương trình NTM được quan tâm, nhất là nguồn lực xã hội hóa được huy động lớn, đã tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn đối với khu vực nông thôn. Nợ đọng xây dựng NTM đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đã có giải pháp xử lý phù hợp. Có thể khẳng định Chương trình NTM đã đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn.
Qua 10 năm xây dựng NTM, huyện huy động được gần 3.200 tỷ đồng. Theo đó, đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa hơn 800km đường giao thông nông thôn; 157,5km kênh mương cấp 1+2 và 121km kênh mương nội đồng được bê tông hóa, đảm bảo tưới cho 60% tổng diện tích đất canh tác. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư; 85/98 thôn, tổ dân phố được xây mới nhà văn hóa... Hiện có 16/20 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, có 18 khu dân cư NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt hơn 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,53%; có 15 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP.
Dịp này, huyện Thăng Bình khen thưởng 17 tập thể, 27 cá nhân và 10 hộ gia đình có thành tích tốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.