Lực lượng thanh niên tham gia vào thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Theo đó, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, cổ vũ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; tích cực tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường nông sản trong nước và quốc tế; tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, thanh niên vươn lên lập thân, lập nghiệp làm giàu cho quê hương, đất nước; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn trên địa bàn nông thôn, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới.
Các công cụ tuyên truyền của Đoàn như: website http://tinhdoanqnam.vn, chuyên trang Khởi nghiệp cùng thanh niên, Chương trình Truyền hình Thanh niên, Phát thanh thanh niên, facebook Tuổi trẻ Quảng Nam thường xuyên thông tin nhanh các chủ trương, chính sách, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; tuyên truyền các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên trong phong trào khởi nghiệp; giới thiệu các mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả... Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xây dựng chuyên trang Giới thiệu, quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên thu hút lượng lớn người theo dõi.
Chương trình hành động Đoàn Thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững tiếp tục được triển khai hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn đã thay đổi cách tiếp cận hộ thanh niên nghèo theo hướng “tăng đồng hành, giảm hỗ trợ”. Nổi bật lên có một số đơn vị đã thành lập Đội thanh niên xung kích giảm nghèo bền vững với yêu cầu mỗi cán bộ công chức trẻ đồng hành, hỗ trợ 01 thanh niên thoát nghèo bền vững, tạo hiệu quả rõ rệt của chương trình, đồng thời huy động sự vào cuộc của xã hội đối với chương trình. Kết quả giai đoạn 2018-2020, đã có 1.074 hộ thanh niên thoát nghèo bền vững.
Công tác hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp được chú trọng triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức Tập huấn Khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên nông thôn, Tập huấn Phương pháp xây dựng đề tài khởi nghiệp, Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp thời kỳ 4.0... Tại các chương trình, đoàn viên thanh niên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cùng các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu trong nước. Công tác tìm kiếm, hỗ trợ thanh niên phát triển ý tưởng được triển khai thông qua việc tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo định kỳ hằng năm. Qua 04 năm triển khai tích cực đã có gần 100 ý tưởng đăng ký tham gia, 05 ý tưởng đạt giải cao và 30 ý tưởng được UBND tỉnh công nhận ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh. Cùng với đó, đã có 11 dự án được cam kết hỗ trợ nguồn vốn triển khai từ Tập đoàn VN Đà Thành.
Thực hiện nhiều phần việc, công trình ý nghĩa. (Ảnh: Đoàn viên thanh niên tham gia thực hiện công trình thanh niên "Thắp sáng đường quê" )
Việc hỗ trợ các mô hình kinh tế, dự án khởi nghiệp của thanh niên được quan tâm triển khai với các hình thức huy động đoàn viên thanh niên đóng góp công hỗ trợ, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, liên kết hỗ trợ vốn vay… Tính đến 30/09/2020, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH do Đoàn Thanh niên quản lý hiện nay là 647.924 triệu đồng với 452 tổ tiết kiệm vay vốn; cấp tỉnh đã hỗ trợ mô hình cây giống, con giống sản xuất thực nghiệm cho 15 hộ thanh niên nghèo. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phối hợp Tập đoàn VN Đà Thành hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp không lãi suất cho thanh niên các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, chương trình OCOP cũng được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lựa chọn là một trong những chương trình trọng tâm nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn quán triệt đến các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc đưa nội dung chương trình OCOP vào các hội nghị giao ban công tác đoàn, các buổi sinh hoạt đoàn để động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã tổ chức Diễn đàn Cơ hội khởi nghiệp từ OCOP cho đội ngũ Bí thư Đoàn cấp huyện, cấp xã và thanh niên làm kinh tế tỉnh nhà. Tại diễn đàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên được giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP; thảo luận về vai trò của tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên thanh niên trong việc thực hiện, triển khai chương trình; tận dụng thế mạnh địa phương để khởi nghiệp, gắn với chương trình OCOP. Bên cạnh việc giải đáp một số thắc mắc của các bạn trẻ, chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành đã trực tiếp tư vấn giúp đoàn viên, thanh niên có những lựa chọn sáng suốt trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp từ OCOP.
Với những nỗ lực đó, toàn tỉnh hiện duy trì có hiệu quả 48 Hợp tác xã (HTX), 94 Tổ hợp tác (THT) và 361 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ. Các doanh nghiệp, mô hình phát triển kinh tế, trang trại của thanh niên đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số THT, HTX, THT kinh doanh hiệu quả và giải quyết nhiều lao động tại địa phương như HTX Chim Trĩ, HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình; Hợp tác xã rau sạch Trường Thành; THT Chăn nuôi thỏ Thành Đạt… Bên cạnh đó, đã có nhiều mô hình HTX trong thanh niên làm ăn có hiệu quả và có sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP như: HTX Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ Đại Bình, HTX Nông nghiệp Thu Bồn, HTX sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm, HTX Nông dược xanh Tiên Phước...
Tuy nhiên, công tác đồng hành, hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế. Phần lớn thanh niên nông thôn thường không sở hữu hoặc thiếu hụt nguồn vốn để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì lại phải có tài sản thế chấp, bảo đảm. Đây chính là “bài toán khó” đối với lực lượng thanh niên nông thôn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, mở rộng và phát triển sản xuất còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; thanh niên còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và kiến thức về thị trường... Các mô hình kinh tế của thanh niên còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với các tiềm năng thế mạnh của huyện. Sản phẩm đầu ra từ các mô hình còn gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, chủ yếu bán trên thị trường tự do, không qua hợp đồng, liên kết với các đơn vị thu mua chuyên nghiệp; một số mô hình sản xuất theo kiểu tự phát, chưa chú trọng quy hoạch phát triển sản xuất; Chưa có nguồn vốn, quỹ... của tổ chức Đoàn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trong khi nhu cầu khởi nghiệp rất lớn nhưng thiếu cơ chế, chính sách về vốn...
Trong thời gian tới, nhằm tạo sự chuyển biến mới về phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn; hỗ trợ việc tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp thanh niên ứng dụng hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, góp phần thoát nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn trong việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên nông thôn tham gia phát triển kinh tế gắn với những phần việc cụ thể của thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Mạnh dạn giao việc mới, việc khó cho các cấp bộ Đoàn địa phương, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện và cống hiến, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đối với các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh cần tập trung phát huy trách nhiệm trong hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế phù hợp với hoàn cảnh cá nhân và tình hình, đặc điểm của địa phương; xây dựng lực lượng thanh niên dẫn đầu trong phong trào khởi nghiệp. Chú trọng ưu tiên các nhóm đối tượng đã được xác định là trung tâm nhằm tạo ra những mô hình tốt, điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ đoàn viên, thanh niên nông thôn khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và các hoạt động nổi bật của Đoàn thanh niên tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường tổ chức các hoạt động tạo môi trường phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch. Tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia chương trình Mỗi xã mỗi sản phẩm. Hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nhất là công nghệ mới, công nghệ giống, công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông, lâm, thủy sản... Tăng cường hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu, giúp thanh niên tiếp cận thông tin về thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để định hướng sản xuất. Xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp thanh niên tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết chuỗi giá trị. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh.