hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Kinh tế vườn: Nền tảng để tạo thay đổi cho diện mạo nông thôn (09/03/2021)
Thời gian qua, việc đẩy mạnh thực hiện Đề án kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng đã góp phần đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tiên Phước, đây cũng là nền tảng để tạo thay đổi rõ rệt cho diện mạo nông thôn nơi đây.

Cây tiêu Tiên Phước đã trở thành cây trồng chủ lực của các xã Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Cảnh.

Năm 2017, Ông Nguyễn Văn Ngân- thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà đầu tư trồng 200 gốc cam giấy. Đến nay cây cam giấy đã và đang phát triển rất tốt, đây cũng là thành quả khi ông Ngân tham gia Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 – 2025” (gọi tắt Đề án 548) do UBND huyện Tiên Phước phát động.

Trước đây, Ông Nguyễn Văn Ngân cũng đã đầu tư trồng cam giấy, nhưng do trồng theo mô hình hộ gia đình và chưa nắm vững các phương pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam nên hiệu quả đạt chưa cao. Từ khi tham gia vào đề án, được sự hỗ trợ về nguồn vốn và kỹ thuật từ UBND huyện Tiên Phước và xã Tiên Hà, cây cam giấy trong vườn ông Ngân phát triển nhanh, không tốn nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh.

Đến nay, khoảng 50 gốc cam trong vườn đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong mùa vừa qua, cây cam vườn ông Ngân cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn, với giá thành trung bình 15 nghìn/kg đã giúp gia đình ông Ngân có thêm nguồn thu nhập đáng kể. “Từ khi bắt đầu trồng cây cam đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho tôi và người dân địa phương; thời gian chăm sóc cũng đơn giản hơn nên tạo điều kiện phát triển thêm các loại cây có hiệu quả kinh tế khác”. Ông Nguyễn Văn Ngân- thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà, Tiên Phước, cho biết.

Cam giấy là giống cây ăn quả bản địa, phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu của vùng đất Tiên Hà và có giá trị kinh tế cao. Do đó, những năm qua UBND xã Tiên Hà xác định loại cây cam chính là cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế vườn của địa phương. Từ năm 2017 đến nay, UBND xã Tiên Hà huy động của nguồn lực đầu tư và tập trung công tác quy hoạch đất đai, chuyển đổi cây trồng, hướng đến xây dựng vùng chuyên canh cam giấy, Trong đó, khu vực thôn Tiên Tráng có đất đai màu mỡ, người dân có kinh nghiệm trồng cam lâu năm là khu vực được tập trung đầu tư, nhân rộng mô hình. Đến nay, trên địa bàn thôn Tiên Tráng đã có 70 hộ triển khai trồng cam giấy, với tổng diện tích khoảng 15ha.

Ông Phan Tấn Dũng- Chủ tịch UBND xã Tiên Hà, Tiên Phước, cho biết thêm “ Trên cơ sở đề án 548 của huyện, trong thời gian đến UBND xã sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân dân. Cùng với đó, theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ 2020-2025, chúng tôi xác định khâu đột phá trong phát triển KT-XH là phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Chúng tôi sẽ tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi một số diện tích đất màu, đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng các loại cây có giá cao, đặc biệt là cây cam. Sau đó chúng tôi sẽ phát triển thương hiệu, và sẽ đưa ra thị trường các loại sản phẩm để tạo điều kiện nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

Qua 3 năm triển khai Đề án “ Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng”, UBND huyện Tiên Phước đã huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái.

Đồng thời, công tác quy hoạch đất đai, chuyển đổi cây trồng hợp lý đã hình thành các vùng sản xuất, vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị ở các xã Tiên Cảnh, Tiên Hà, Tiên Châu,… Bên cạnh đó, là loại cây có giá trị kinh tế cao và có thương hiệu trên thị trường, cây tiêu Tiên Phước đã trở thành cây trồng chủ lực của các xã Tiên Thọ, Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Cảnh… “ Đầu tiên tôi bắt đầu làm mô hình phát triển trong thanh niên, để xây dựng nông mới. Nếu được sau này sẽ phát triển xây dựng khu du lịch sinh thái. Tôi muốn được hỗ trợ thêm các hệ thống nước tưới cho cây tiêu”. Anh Trương Công Trung- thôn 1, xã Tiên Thọ, Tiên Phước, nói.

Đối với công tác cải tạo, nâng cấp vườn nhà, chuyển đổi cây trồng trên địa bàn Tiên Phước cũng được nhân dân tham gia tích cực. Từ năm 2017 đến 2020 đã có gần 730 hộ tham gia, trong đó có gần 530 hộ đạt tiêu chí vườn xanh, sạch đẹp và có hiệu quả kinh tế cao.

Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) từ khi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia đã nâng cao ý thức người dân nơi đây trong việc gìn giữ cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Công tác cải tạo vườn tạp, dựng bờ đá, đào ao nuôi cá và trồng các loại cây ăn quả theo hướng phát triển du lịch được rất nhiều hộ dân triển khai. Cùng với đó, người dân tổ chức hoạt động trải nghiệm câu cá, thưởng thức các loại trái cây, lưu trú homestay đã giúp những mảnh vườn nơi làng quê này thành điểm đến quen thuộc của du khách.

Ông Nguyễn Phước Chiến- thôn Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, tâm sự “ Từ khi Làng cổ Lộc Yên được trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia thì ý thức người dân ngày càng được nâng lên. Riêng việc xây dựng tường rào cổng ngõ đã được sự đồng tình rất cao từ người dân;Nhà tôi  vô cùng may mắn, đó là nằm trong vùng lõi của khu du lịch nên cũng được hỗ trợ gần 30 triệu từ Đề án 03, trước đây là 548 của huyện. Bây giờ tôi đang tiến hành đào ao, trồng cây, chăm sóc và quan trọng là đầu tư để cây có nhiều trái để tạo hiệu quả năng suất và thúc đẩy việc du lịch”.

Đến nay, tổng diện tích vườn trên toàn huyện đạt gần 5.900ha, tăng gần 450ha so với năm 2017. Chỉ riêng diện tích vườn được cải tạo, cơ cấu cây trồng hợp lý, mang hiệu quả kinh tế là gần 4.000ha, đạt tỉ lệ 68%. Trong đó, diện tích các loại cây trồng chủ lực như tiêu, bòn bon, thanh trà, măng cụt, sầu riêng, cam giấy liên tục tăng lên qua từng năm, hiệu quả cao, giúp hàng nghìn nông dân thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ những thành quả này đã góp phần giúp huyện Tiên Phước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; nâng cao các tiêu chí, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới năm 2022.

Đông Yên

Lượt xem:  327 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 71 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com