Công văn nêu rõ: Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhờ vậy nhiều hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt là phá rừng, khai thác rừng trái phép vẫn còn xảy ra tại một số địa phương, nhất là các vùng giáp ranh giữa các địa phương miền núi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tồn tại và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, cần tập trung thực hiện các nội dung sau đây:
UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành; Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có rừng, các đơn vị chủ rừng xây dựng kế hoạch ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; Mọi vi phạm về phá rừng tự nhiên phải được điều tra, xử lý nghiêm minh và buộc khôi phục lại rừng đã bị phá theo đúng quy định của pháp luật. Chỉ đạo ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã và các Ban quản lý rừng tổ chức rà soát toàn bộ diện tích rừng tự nhiên chưa giao (hiện do UBND cấp xã quản lý) để xây dựng kế hoạch giao rừng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai giao rừng đồng bộ với giao đất cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai; đồng thời tập trung chỉ đạo rà soát diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân sử dụng ổn định nay thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ, đặc dụng để có phương án giải quyết quyền lợi cho người dân phù hợp với điều kiện của từng địa phượng;…
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu xây dựng các tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời phối hợp rà soát tham mưu điều chỉnh các quy hoạch có liên quan để tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm rà soát, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, các cơ sở chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang dã, để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để trở thành các điểm nóng gây bức xúc trong dự luận xã hội.
Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư và đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với lợi thế địa phương, có giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo các Ban quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư có liên quan xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; đồng thời tăng cường kiểm tra trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng của các đơn vị quản lý rừng ở địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người dân trên địa bàn các huyện miền núi, nhằm tạo thuận lợi cho người dân đầu tư và liên kết đầu tư sản xuất trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu bố trí nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi và kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; phối hợp, tiếp nhận, điều tra, xử lý kịp thời và triệt để các vụ án vi phạm pháp luật về lâm nghiệp theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng khu vực biên giới, tăng cường kiểm soát người ra vào rừng trái phép; phối hợp, hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm trong công tác tuần tra và xử lý nghiêm các hành vi khai thác rừng, săn, bẩy bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên các tuyến, khu vực biên giới.
UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, đoàn thể tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, Ban ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan để người dân tự giác chấp hành; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong hoạt động Lâm nghiệp.