Theo đó, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 18/5/2016 về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Chương trình hành động ban hành kèm theo Quyết định số 2002/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/11/2016 của Tỉnh ủy; Công văn số 5710/UBND-KTN ngày 26/9/2019 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan trên địa bàn tỉnh; Công văn số 4449/UBND-KTN ngày 05/8/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo có liên quan về quản lý hoạt động khoáng sản.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện việc đánh giá tiềm năng, lợi thế, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/9/2020; Tham mưu UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật; trước khi gia hạn giấy phép cho các mỏ đã hết thời hạn khai thác, phải tổ chức đánh giá toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường; không xem xét đề xuất, tham mưu trình cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản mới cho các doanh nghiệp thuộc các trường hợp sau: Bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên (kể cả bị đình chỉ hoạt động); bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản; bị xử lý vi phạm hình sự; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đến mức bị cơ quan thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế; không thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực đã được cấp phép khai thác khoáng sản trước đây.
Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường; có biện pháp mạnh và chế tài xử lý cương quyết đối với những đơn vị khai thác khoáng sản không thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác; báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy phép đối với những đơn vị khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, tạo dư luận xã hội. Đồng thời, khẩn trương tham mưu xây dựng Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xem xét, đánh giá nhu cầu, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đối với các vị trí, khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thật sự cần thiết và cấp bách, đáp ứng đúng nhu cầu vật liệu xây dựng cho địa phương và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra và xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; các cơ sở chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong bảo quản, mua bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát quy hoạch khoáng sản (trừ khoáng sản làm làm vật liệu xây dựng thông thường) đã phê duyệt để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo quy định.
Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý không đảm bảo, vượt Quy chuẩn Việt Nam ra môi trường trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến của các đơn vị khai thác khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Cục Thuế tỉnh thực hiện và chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và duy trì hoạt động camera, trạm cân của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm: Rà soát, lựa chọn vị trí, khu vực có khoáng sản đảm bảo đủ điều kiện hoạt động khoáng sản, trên cơ sở nhu cầu xây dựng tại chỗ của địa phương để đề nghị UBND tỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Thực hiện tốt công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản để lựa chọn đơn vị đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn theo ủy quyền của UBND tỉnh tại Quyết định số 1840/QĐ-UBND ngày 27/5/2016 và các quy định của pháp luật. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường và việc thực hiện các nghĩa vụ, quy định nêu trong giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện nghĩa vụ đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản; có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý các doanh nghiệp không chấp hành đúng các nội dung theo hồ sơ môi trường được duyệt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường; kịp thời giải quyết những kiến nghị, khiếu nại của người dân về những ảnh hưởng do khai thác khoáng sản và vận chuyển khoáng sản gây ra, tránh để phát sinh điểm nóng. Chỉ đạo lực lượng Công an huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương cấp huyện./.