Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chú trọng phát triển hợp tác xã gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Xác định hợp tác xã là hạt nhân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa với quy mô lớn gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Triển khai xây dựng, hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; hỗ trợ các hợp tác xã tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, gắn với phát huy vai trò làm chủ và bảo đảm lợi ích của các thành viên. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể các cấp và cán bộ, thành viên hợp tác xã; thực hiện tốt chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ đại học về làm việc tại các hợp tác xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến nhân rộng các mô hình, điển hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu củng cố, kiện toàn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 trình HĐND tỉnh thông qua để thực hiện. Thường xuyên theo dõi, tổng hợp và tham mưu tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; nâng cao trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh phân công theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện các cam kết và quy định của Nhà nước về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và nông dân; Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,… tạo nguồn lực, đòn bẩy phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách tỉnh hằng năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp tác xã đảm bảo kịp thời và hiệu quả.
UBND các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp huyện; thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Tiếp tục rà soát, xây dựng và thực hiện phương án xử lý dứt điểm những tồn đọng ở các hợp tác xã, tạo điều kiện để sớm giải thể các HTX yếu kém, ngừng hoạt động lâu dài hoặc chuyển sang hình thức kinh tế khác. Tăng cường công tác cải cách hành chính, đặc biệt công tác cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX đăng ký thành lập và hoạt động; chú trọng việc mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn để kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển ổn định; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.
Đồng thời, đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các Hội, đoàn thể và Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam tăng cường công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong quá trình triển khai thực hiện.
File đính kèm: công văn 2651/UBND-KTN