Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, điều chỉnh, xây dựng các vùng tập trung sản xuất, chế biến ngành nông, lâm và thủy sản cấp tỉnh; hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tạo sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng phát triển công nghệ chế biến sâu. Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 291/QĐ-UBND ngày 22/01/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày 17/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020 trên địa bàn tỉnh
Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch số 2548/KH-UBND ngày 09/5/2019 của UBND tỉnh về phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất liên kết, liên doanh giữa doanh nghiệp với HTX, nông hộ, nhằm giải quyết tốt “đầu vào, đầu ra" cho sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác xử lý các vi phạm liên quan theo quy định. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi gian lận làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản, đặc biệt là tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên ứng dụng giống mới, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản nông, lâm và thủy sản; sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai. Tăng cường công tác phát hiện, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản để chủ động ứng phó kịp thời; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy, hải sản. Chú trọng công tác đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, đường lâm sinh, hạ tầng nghề cá, kịp thời hoàn thành việc xây dựng cảng cá Tam Quang để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho tàu thuyền cập cảng. Hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh phát triển trang trại, nông trại, hợp tác xã sản xuất, chế biến có quy mô khá, quy mô lớn để tận dụng vốn và công nghệ tập trung, đáp ứng yêu cầu xây dựng các sản phẩm nông, lâm và thủy sản có chất lượng cao;...
Sở Công Thương: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường nông, lâm sản và thủy sản; tăng cường công tác hỗ trợ kết nối cung cầu; củng cố, phát triển các chợ truyền thống; phát triển các kênh bán buôn, bán lẻ, hệ thống phân phối phù hợp; hỗ trợ liên kết, đưa hàng hóa nông, lâm sản và thủy sản vào hệ thống các siêu thị, trung tâm bán hàng hiện có trên địa bàn tỉnh. Thiết lập hệ thống kết nối từ chính quyền (tỉnh, huyện, xã) đến các doanh nghiệp, HTX, nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông, lâm và thủy sản; có kế hoạch kết nối với thị trường các tỉnh lân cận, trong nước và chú trọng tìm kiếm thị trường xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, dự báo, thông tin chính xác, kịp thời về thị trường nông sản để hạn chế tình trạng được mùa mất giá; đẩy mạnh hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển công nghệ chế biến, bảo quản hàng hóa nông, lâm và thủy sản. Kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và công nghiệp chế biến hàng hóa nông, lâm và thủy sản.
Sở Khoa học và Công nghệ: Kịp thời tổ chức kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2020” theo Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 04/7/2012 của UBND tỉnh. Triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025. Tiếp tục triển khai xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và áp dụng quy chế quản lý quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đã được bảo hộ, hỗ trợ cho hàng hóa nông sản có đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối lớn, đồng thời tăng sức cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh theo Kế hoạch 5308/KH-UBND ngày 26/10/2016 của UBND tỉnh về việc tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 30/01/2019 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 45/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong giai đoạn tới.
Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021-2025; tham mưu UBND tỉnh có giải pháp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ này; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách về lao động - việc làm, nâng cao hiệu quả đào tạo lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của HĐND tỉnh; gắn đào tạo với giải quyết việc làm, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động. Thực hiện tốt các chương trình việc làm gắn với phát triển kinh tế - xã hội; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là các ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng thu hút nhiều lao động; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chính sách tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020 theo Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg ngày 09/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ, các chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ, Nghị quyết 51/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh, Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 03/01/2019 và Quyết định số 4122/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh.
Công an tỉnh: Tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, rà soát, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn. Tổ chức phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho người dân nông thôn, chú ý tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; hướng dẫn xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực nông thôn, đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và tố giác tội phạm tại khu vực sinh sống. Phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có các chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với các hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh; đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng các chính sách này để trục lợi.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các quỹ tín dụng - tài chính ưu tiên, tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi vay vốn. Tiếp tục thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cho vay nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường công tác chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông, lâm và thủy sản ở cấp huyện, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực địa phương để tham gia chuỗi liên kết, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch; sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh trên người, trên cây trồng, vật nuôi. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của Tỉnh đã ban hành. Tăng cường công tác rà soát những diện tích đất bị bỏ hoang, suy giảm thâm canh để có kế hoạch chỉ đạo tổ chức sản xuất hiệu quả. Ở những địa phương có điều kiện, kịp thời tổ chức nhân rộng các mô hình thí điểm về tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn; trước mắt, thực hiện theo hình thức doanh nghiệp, HTX liên kết hoặc thuê lại quyền sử dụng đất của nông dân để sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên;...